Theo công văn, Sở Y tế khẳng định: "Quá trình tiếp nhận thăm khám và điều trị tại BVĐK tỉnh Hà Giang là đúng quy định của ngành. Kết quả hội chẩn toàn bệnh viện ngày 7.7 của BV Bạch Mai thông báo kết luận sơ bộ lâm sàng: "Hội chứng liệt mềm 2 chi dưới" và kết quả hội chẩn liên viện với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu của nhiều chuyên ngành khác nhau đã chẩn đoán người bệnh liệt mềm 2 chi dưới ngoại biên, có yếu tố rối loạn phân ly đồng diễn, nhiễm khuẩn tiết niệu. Kết luận người bệnh liệt mềm 2 chi dưới không phải do tiêm thuốc Nefopam 20mg vào mông tại BVĐK tỉnh Hà Giang".
Qua đơn thư gửi báo Lao Động ngày 25.7, gia đình bệnh nhân tiếp tục phản ánh rằng, con mình không hề đau đớn hoặc yếu vận động đến mức phải tiêm thuốc giảm đau và cũng không có chuyện chị Thảo đã điều trị ở Trạm y tế xã Đạo Đức. Việc kết luận thuốc tiêm và cách tiêm không dẫn đến bị liệt là "thừa thãi" trong khi chưa lý giải vì sao lại tiêm thuốc giảm đau khi chị Thảo không hề đau đến mức phải giảm đau, và trong khi chưa đọc kết quả các xét nghiệm hay chụp chiếu?.
"Khoảng 3h chiều, y sĩ Huân đến tiêm và không nói tại sao tiêm. Lúc đó tôi và gia đình cũng chưa biết kết quả chụp chiếu, xét nghiệm ra sao"- bệnh nhân Hồ Thị Thảo đang nằm điều trị tại BV Bạch Mai nói.
Như vậy, qua công văn phúc đáp, Sở Y tế tỉnh Hà Giang đã chối bỏ hoàn toàn trách nhiệm với cô giáo Hồ Thị Thảo, bỏ qua rất nhiều chi tiết đáng nghi vấn về vụ việc này.
Thứ nhất, không hiểu Sở Y tế tỉnh Hà Giang vô tình hay cố ý bỏ qua, đã không chỉ rõ lí do tại sao người bệnh lại được xử trí tiêm thuốc giảm đau Nefopam ngay sau khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu và chưa thông báo kết quả đến người bệnh. Sau kết quả chụp MRI cột sống cổ, thắt lưng có hình ảnh phồng đĩa đệm, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng nhưng bác sĩ lại không đọc kết quả ngay cho bệnh nhân mà chỉ định tiêm thuốc giảm đau luôn. Điều này đã đúng quy trình hay chưa?
Thứ hai, quá trình cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân là nguyên nhân khiến gia đình người bệnh bức xúc. "Đến khi con tôi bị liệt, GĐ BV có đến hỏi kết quả đâu thì điều dưỡng trả lời chưa có, vậy mà họ đã dám tiêm thuốc giảm đau cho con tôi? Rồi cháu bất ngờ bị liệt sau khi tiêm mà BV giữ lại 3 ngày tại khoa Y học cổ truyền chỉ vì đó là ngày nghỉ, gia đình kêu thì bảo phải chờ đợi"- bà Trịnh Thị Mai- mẹ chị Thảo viết trong đơn khiếu nại.
Những thắc mắc trên của người nhà bệnh nhân, cũng chỉ được lý giải một cách vắn tắt trong văn bản của Sở Y tế tỉnh Hà Giang. Bệnh viện chỉ thừa nhận: "Việc giải thích, tư vấn không rõ ràng về tác dụng phụ của thuốc Nefopam và các quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được hưởng theo quy định của Luật cho người bệnh (vận chuyển người bệnh lên tuyến trên theo quy định của Luật BHYT) dẫn đến hiểu lầm của người bệnh và người nhà". Qua việc này, Sở Y tế yêu cầu BVĐK tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn cho cán bộ BV về ứng xử và các văn bản quy định về khám chữa bệnh BHYT.
Nhìn thẳng vào vấn đề, cần ghi nhận báo cáo mau lẹ của phía BVĐK tỉnh Hà Giang và sự vào cuộc rất khẩn trương của Sở Y tế tỉnh Hà Giang. Nhưng tất cả những điều đó chưa đủ để có thể giải tỏa được những nghi vấn, những bức xúc của gia đình bệnh nhân trong vụ việc này. Thiết nghĩ, bệnh viện và lãnh đạo ngành y tế tỉnh Hà Giang cần lắng nghe kỹ càng hơn, tìm hiểu và giải thích một cách thấu đáo hơn nữa để giải tỏa nghi vấn cho người bệnh.
Đồng thời, ngành y tế không thể rũ bỏ trách nhiệm với người bệnh, suy cho cùng, cô giáo Hồ Thị Thảo bị bệnh nhưng bị liệt đôi chân ngay sau mũi tiêm thuốc giảm đau là điều chưa được ngành y lý giải rõ ràng. "Gia đình chúng tôi cảm thấy oan ức quá. Không đi viện, đôi chân còn lành, đi viện rồi lại chữa lành thành què. Vậy đi viện chữa bệnh để làm gì?"- mẹ của bệnh nhân nói. Câu hỏi đau đáu đó vẫn còn chờ câu trả lời!