Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã cho biết thông tin trên tại buổi tập huấn “Sử dụng đúng cách các chế phẩm bổ sung sắt và axit folic” do Hội bác sĩ gia đình TP.Hồ Chí Minh tổ chức.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm, thiếu máu, thiếu sắt bắt nguồn từ nguyên nhân chế độ ăn ít chất sắt. Theo đó, mỗi 10 – 20mg chất sắt nạp vào, chỉ có 1mg sắt được hấp thụ. Thêm vào đó, chế độ ăn ít chất sắt càng góp phần dẫn đến tình trạng thiếu máu thiếu sắt.
Thiếu máu, thiếu sắt cũng có thể gặp ở các giai đoạn trẻ em và thanh thiếu niên đang phát triển, phụ nữ mang thai và cho con bú, nhu cầu sắt tăng và sản xuất hồng cầu tăng.
“Tình trạng này còn có nguyên nhân khi gặp các bất thường đường tiêu hóa hoặc một số loại thuốc uống tác động đường tiêu hóa cũng có thể làm thay đổi sự hấp thu sắt và dẫn đến thiếu máu thiếu sắt. Ngoài ra, mất máu cũng khiến người bình thường thiếu sắt. Những trường hợp mất máu là do chảy máu đường ruột, chảy máu kinh nguyệt hoặc chấn thương”, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm bày tỏ.
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho hay, mỗi người có thể có các dấu hiệu khác nhau. Nhưng nếu gặp phải các dấu hiệu: Da nhợt nhạt, thiếu sắc; hay cáu gắt; thiếu năng lượng hoặc mệt mỏi; tăng nhịp tim… thì người bệnh cần đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.
Nếu không điều trị thiếu máu thiếu sắt, trẻ có thể sẽ chậm phát triển tâm thần vận động, giảm tập trung, nhanh nhẹn và ảnh hưởng đến học tập. Đối với thai phụ, thiếu máu có thể làm cho mẹ dễ bị sẩy thai, nhau tiền đạo, nhau bong non, tăng huyết áp thai kỳ, con sinh ra bị nhẹ cân, non tháng...
Để khắc phục tình trạng này, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm cho biết người dân đặc biệt là những bà mẹ đang mang thai, trẻ em cần có chế độ ăn giàu chất sắt. Theo đó, các thực phẩm giàu chất sắt gồm thịt (thịt bò, thịt lợn, thịt cừu…), gan và các loại nội tạng khác; gia cầm (gà, vịt); thủy hải sản (tôm, cua, sò, cá mòi, cá cơm); rau (bông cải xanh, cải xoăn…); các loại đậu (đậu xanh, đậu Hà Lan…), bánh mì nguyên cám, trứng, nho khô…
“Sắt là yếu tố cần thiết tạo nên hemoglobin của hồng cầu. Bạn nên dùng viên sắt gluconate (thuộc nhóm sắt hữu cơ) giúp hấp thu nhanh qua ruột và ít gây táo bón”, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.
Để đạt hiệu quả tối ưu khi sử dụng viên sắt, một số sản phẩm có thể bổ sung thêm trong viên sắt là: Vitamin B12; Vitamin C; Sorbitol; Các nguyên tố vi lượng khác: Đồng, mangan giúp kích thích quá trình sử dụng sắt và là chất xúc tác cho việc tạo thành hemoglobin (Hb); Axít folic (vitamin B9)...