Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra cảnh báo tình trạng sử dụng bia, rượu vào dịp Tết cận kề tại hội thảo: "Tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2018".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, việc lạm dụng rượu về số lượng, chủng loại rượu, đặc biệt trong số đó có nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha chế, không có nguồn gốc xuất xứ, rượu không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, không nhãn mác và đặc biệt là rượu giả được sản xuất từ những nguyên liệu độc hại, bị cấm (cồn Methanol) do gian lận thương mại…, đã và đang gây gây ngộ độc cấp, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, tình hình ngộ độc rượu có xu hướng giảm dần từ năm 2013 đến năm 2016, từ gần 40 vụ năm 2013 xuống hơn 10 vụ năm 2016. Tuy nhiên, đến năm 2017 lại gia tăng đột biến với 10 vụ ngộ độc, 119 người mắc, 115 người đi viện và 11 người chết). Tuy nhiên, theo ông Long, các vụ ngộ độc cấp chỉ là “tảng băng nổi”, còn “tảng băng chìm” về tác hại của rượu rất lớn.
Ở Việt Nam có khoảng hơn 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ với sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm.
Ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam uống rượu bia, có 38,3% dân số trên 15 tuổi sử dụng rượu bia, cứ 2 người đàn ông thì có 1 người uống rượu. Tỷ lệ người nghiện rượu nặng là 1,4% trong tổng dân số trên 15 tuổi. Tình trạng sử dụng rượu bia, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông cũng như bệnh tật khác, đặc biệt trong nhóm nam thanh niên trẻ.
Một lần nữa, cơ quan chức năng lại đưa ra lời cảnh báo: rượu, bia không chỉ gây ngộ độc mà còn là nguyên nhân gián tiếp của nhiều loại bệnh trong đó có ưng thư. Càng uống nhiều rượu thì nguy cơ gây ung thư càng cao. Do đó, nếu có sử dụng rượu, bia, nhất là trong dịp lễ, Tết, người dân cần uống càng ít càng tốt.