Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội bia rượu nước giải khát Việt Nam - cho biết: “ Nếu sử dụng rượu, bia phù hợp với khuyến cáo của bác sỹ thì bản thân rượu, bia không có hại cho sức khỏe mà ngược lại. Chỉ có lạm dụng rượu, bia mới gây ra tác hại đối với sức khỏe"
Các đại biểu tại buổi Tọa đàm cho rằng: “Hiện tại, các đề xuất trong Bản dự thảo Luật mới nhất không tập trung vào các yếu tố dẫn đến việc lạm dụng đồ uống có cồn, mà chỉ tập trung các chính sách nhằm hạn chế nguồn cung và hạn chế nhu cầu sử dụng rượu bia, như vậy Luật sẽ không có tác dụng điều chỉnh, tăng cường hành vi uống có trách nhiệm mà dẫn đến một số tác động đối với người lao động và gia tăng tình trạng buôn lậu, hàng nhái, hàng giả”.
Ông Trần Quang Chiểu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - nhấn mạnh: “Công tác tuyên truyền cho người dân về tác hại của rượu, bia là mục đích của chính sách, thì ghi rất rõ ở phần đầu, nhưng nội hàm đằng sau lại ghi là cấm, không được, phải chấp hành, không chú ý gì đến nội dung làm công tác truyền thông. Tôi nghĩ rằng, nếu trình Quốc hội, dự thảo Luật này sẽ bị nhiều đại biểu quốc hội phản đối vì nó quá hình thức và sơ sài”.
Cũng tại buổi tọa đàm, Luật sư Trương Minh Đức (Cty Luật Basico) cho biết, rượu, bia là thực phẩm, là giải khát, là thức uống. Tác hại cũng có mà mặt lợi cũng có nên nếu ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu, bia thì xem chừng coi rượu, bia ngang với ma túy..
Tuy nhiên, theo lý giải về việc cần có Luật phòng chống tác hại của rượu, bia, cơ quan đề xuất cho rằng, có 4 lý do: Thực trạng sử dụng sản xuất kinh doanh rượu bia trong thời gian qua có tốc độ gia tăng nhanh, trong khi mức tăng trưởng chung trên toàn thế giới giảm. Mức tiêu thụ rượu của Việt Nam hiện cao hơn mức bình quân của thế giới. Đối tượng sử dụng rượu cũng rất đa dạng. Tỷ lệ sử dụng rượu, bia của Việt Nam có tốc độ tăng nhanh hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Hiện Việt Nam là quốc gia tiêu thụ rượu bia thứ 2 Đông Nam Á, thứ 10 Châu Á và thứ 29 trên thế giới.
Một số đại biểu khác thì cho rằng, nên dùng tên là Luật kiểm soát rượu bia và đồ uống có cồn thay cho tên Dự thảo là phòng chống tác hại của rượu bia.