Nhìn người… răn mình
Những ngày gần đây trên mạng xã hội lan truyền hình ảnh bầu ngực của một phụ nữ thâm tím tái, sưng tấy sau khi đi làm đẹp.
Qua tìm hiểu, nạn nhân là chị Ngô Ngọc L, 36 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày 5.5, chị L đến làm đẹp tại Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ K.C (số 1B Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Số tiền chị L phải đóng là 13.000 USD (gần 300 triệu đồng) để chỉnh sửa nâng mũi và nâng ngực. Trong đó số tiền nâng ngực là 7.000 USD và nâng mũi là 6.000 USD. Ca phẫu thuật nâng ngực kéo dài 7 tiếng đồng hồ diễn ra vào ngày 13.5 đã gây ra những biến chứng nặng nề.
Sự viện gây xôn xao dư luận và nhận được nhiều ý kiến trái chiều, “người thương, kẻ chê”. Tuy nhiên câu chuyện lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tính hai mặt của phẫu thuật thẩm mỹ. Trường hợp của chị Ngọc L chỉ là một trong số hàng trăm những biến chứng đau lòng trong công cuộc tân trang nhan sắc của phái đẹp. Đành rằng nhu cầu làm đẹp là chính đáng, song đẹp phải đi đôi với an toàn. Cần đặt câu hỏi, vậy vì đâu nên nỗi?
Xu hướng “đẹp nhân tạo còn hơn xấu tự nhiên” cùng với những chiêu trò quảng cáo như “rót mật” vào tai và vô vàn lời có cánh “vịt hóa thiên nga” đã “câu kéo” được không ít phụ nữ. Nhu cầu làm đẹp ngày càng cao đồng nghĩa với việc các thẩm mỹ viện, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ và các cơ sở làm đẹp mọc lên như “nấm sau mưa”. Hệ số an toàn của các cơ sở tư nhân này thấp hơn nhiều so với bệnh viện công. Tuy nhiên thực tế cho thấy địa chỉ các chị em tìm đến thường là những cơ sở tư nhân. Sự cố đau lòng của chị Ngọc L liệu có phải chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” hay thực chất nên “nhìn người… răn mình” về độ an toàn của ngành công nghiệp “không khói” này. Để tránh “tiền mất tật mang”, cần hiểu biết và “chọn mặt gửi vàng” những bệnh viện có quy chuẩn cấp phép an toàn.
Điều đáng nói là bao nhiêu phần trăm số cơ sở làm đẹp đã được cấp phép và nếu đã được cấp phép thì cơ sở đó có hoạt động vượt quá thẩm quyền, phạm vi dịch vụ cho phép hay không?
Theo quy định, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chỉ được làm các tiểu phẫu như: Cắt mí mắt, nâng mũi, làm cằm chẻ, làm lúm đồng tiền..., không được làm các phẫu thuật lớn, có độ khó và khả năng rủi ro cao như căng da mặt, hút mỡ, nâng ngực… Ngoài ra, những phẫu thuật thẩm mỹ có gây mê đều bắt buộc phải làm ở bệnh viện. Tuy nhiên, ngay cả phẫu thuật thẩm mỹ ở bệnh viện cũng phải làm theo quy trình nghiêm ngặt và chỉ được làm những kỹ thuật trong danh mục được Sở Y tế thẩm định, cho phép. Còn những cơ sở làm đẹp chỉ được phép làm các dịch vụ ngoài da, không được thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật xâm lấn, gây chảy máu như: Xăm mắt, xăm lông mày, xăm môi...
Nhập nhèm “vỏ - ruột”
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động tại cơ sở 2 của Thẩm mỹ viện P.T (2xx Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), nhân viên tư vấn giới thiệu dịch vụ làm đẹp nào cũng có, từ tiêm botox thon gọn hàm, nâng mũi cho đến thẩm mỹ gọt mặt, tiêm hạ gò má, tiêm tan mỡ tạo khuôn mặt trái xoan, tạo hình khuôn mặt V-line, độn cằm. Thậm chí có cả những hình thức dịch vụ đại phẫu như phẫu thuật nâng ngực Yline, tạo hình thành bụng, nâng mông nội soi, hút mỡ bụng… Đối với riêng hình thức nâng ngực nội soi, nhân viên cung cấp giá dịch vụ là 45 triệu đồng, rẻ hơn so với mặt bằng chung.
Đặc biệt Thẩm mỹ viện P.T cam kết loại hình này đã được cấp phép của sở Y tế, đảm bảo uy tín, an toàn là trên hết. Hơn nữa thẩm mỹ viện đã phẫu thuật rất nhiều trường hợp thành công và chưa từng có sự cố. Thế nhưng tại sao một trung tâm thẩm mỹ như TMV P.T không đủ cơ sở vật chất cũng như kinh nghiệm lại có thể tiến hành những “đại phẫu” khó một cách dễ dàng đến như vậy?
Mâu thuẫn được đặt ra khi lời nói trực tiếp và quảng cáo “bất nhất”, trên trang web chính thức của thẩm mỹ viện này không hề quảng cáo loại dịch vụ nâng ngực hay hút mỡ. Qua tìm hiểu sâu, phát hiện những “mánh lới” kinh doanh mới. Cụ thể, các trường hợp đại phẫu sẽ thực hiện ở Bệnh viện đa khoa HN với hình thức liên kết. Bác sĩ sẽ là nhân sự của thẩm mỹ viện và đưa bệnh nhân đến tự phẫu thuật. Chiêu thức này không những làm đau đầu cơ quan quản lý mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tính mạng bệnh nhân vì không ai kiểm soát trình độ chuyên môn của bác sĩ lẫn quy trình thực hiện có đảm bảo an toàn cho bệnh nhân hay không?
Tương tự, tại một cơ sở của Thẩm mỹ viện P.X, nhân viên tư vấn cũng hứa hẹn kết quả phẫu thuật và “bảo hành trọn đời” túi ngực khi nâng ngực trọn gói với giá 65 triệu đồng. Tại đây, viện thẩm mỹ cũng cam kết loại hình này đã được cấp phép và hoạt động hợp pháp, uy tín, chất lượng. Đáng nói, việc thực hiện cho bệnh nhân các dịch vụ đại phẫu của hai thẩm mỹ viện trên đều giống nhau, theo liên kết với Bệnh viện H.N.
Quy định đã rõ ràng nhưng trên thực tế tình trạng làm ăn “bát nháo”, các cơ sở “xé rào”, “vượt rào” thẩm quyền vẫn đang diễn ra. Liệu lỗ hổng quản lý các cơ sở thẩm mỹ đã được lấp đầy?
Sẽ xử nặng những cơ sở vi phạm
Trao đổi về vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Thẩm mỹ Kim Cương, ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội - cho biết: “Bệnh viện đã hẹn tái khám cho bệnh nhân, rồi mời các chuyên gia đến để hội chẩn nhưng bệnh nhân lại từ chối có mặt”. Khi trao đổi về các cơ sở spa, thẩm mỹ không được cấp phép các dịch vụ chuyên sâu nhưng vẫn làm “chui”, ông Cường cho biết: “Nếu phát hiện được chúng tôi sẽ xử lý rất nặng. Phòng phẫu thuật thẩm mỹ do ngành y tế quản lý chỉ được làm những dịch vụ đơn giản. Nhưng những dịch vụ như nâng ngực, hút mỡ bụng... mà họ muốn giới thiệu khách hàng sang bệnh viện thì hồ sơ bệnh án phải do bệnh viện đó làm. Khi làm ở bệnh viện nào bệnh viện đó phải chịu trách nhiệm chứ phòng phẫu thuật thẩm mỹ không được phép nhận bệnh nhân vì không thuộc phạm vi của họ được làm”.