Theo đó, tổng số sản phụ đẻ tại bệnh viện (BV) năm 2017 là 21.722 sản phụ, năm 2018 là 22.346 sản phụ. Tỉ lệ vị thành niên trong cả 2 năm là 0,5%.
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương - Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: Trong số 227 sản phụ ở độ tuổi vị thành niên, có 178 trường hợp đã lập gia đình; số sản phụ 17-18 tuổi chiếm đại đa số (83,5%); số sản phụ từ 14-16 tuổi là 34 trường hợp, trong đó đáng lưu tâm là có 4 cháu bé mới 10-13 tuổi. Có đến 27 sản phụ "nhí" còn đang là học sinh sinh viên ngồi trên ghế nhà trường.
Theo kết quả nghiên cứu này, đa số vị thành niên thuộc nhóm tuổi 17-18 tuổi, trong đó có nhóm tiền vị thành niên từ 10-13 tuổi.
Có 11,9% là học sinh sinh viên, 83,3% làm nghề tự do và 21,6% chưa có chồng. Đây là những đối tượng khi mang thai, sinh đẻ sẽ gặp nhiều khó khăn, áp lực.
Theo các bác sĩ, tỉ lệ này không nhỏ, qua đó, đòi hỏi sự quan tâm giáo dục về giới tính và sức khỏe sinh sản.
Kết quả nghiên cứu còn chỉ ra rằng, có đến 2,6% trẻ sơ sinh từ mẹ vị thành niên sinh đẻ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Kết quả này cho thấy, thai nghén của mẹ ở tuổi vị thành niên có tỉ lệ sinh con non tháng và nhẹ cân rất nhiều.
Theo Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, việc mang thai ở tuổi vị thành niên có thể để lại những hậu quả đáng tiếc cho cả mẹ và con. Tỉ lệ thai nghén nguy cơ cao, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục... ở lứa tuổi này cao hơn so với những bà mẹ lớn tuổi. Những đứa trẻ sinh ra từ bà mẹ vị thành niên có tỉ lệ chết trước 1 tuổi, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, bệnh tật cao hơn so với con của các mẹ ở tuổi trưởng thành.