Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, khoảng trưa 22.11, P trốn gia đình đi trèo cây khế, sau đó bị ngã xây xước mặt và ngất đi. Sau đó, P được các bạn day ngực và đã tỉnh lại.
Tuy nhiên, khi về nhà, P nói dối gia đình là đi xe đạp bị ngã rồi kêu mệt, đi nằm. Khoảng 2 tiếng sau, gia đình gọi không thấy P dậy và phát hiện miệng sùi bọt nên vội vàng đưa P đi cấp cứu.
Tại BV đa khoa tỉnh Tuyên Quang, P được làm các xét nghiệm và cận lâm sàng cần thiết. Kết quả cho thấy, bệnh nhân bị vỡ thái dương trái, tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương đỉnh đẩy đường giữa di lệch. Kíp phẫu thuật đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu lấy máu tụ, đặt lại xương sọ và đặt dẫn lưu ngoài màng cứng.
Sau 2 ngày sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng, chưa tỉnh, phải thở máy, tiếp tục được theo dõi sát toàn trạng và điều trị tích cực.
Bác sĩ khuyến cáo: Trẻ nhỏ thường rất hiếu động nên các gia đình và nhà trường cần thường xuyên quan tâm đến trẻ, chú ý đến các biểu hiện khác thường của trẻ, nhất là sau khi trẻ vừa bị ngã, hướng dẫn trẻ cách xử trí khi bị ngã và cần động viên trẻ để trẻ chia sẻ các diễn biến chi tiết sự khi bị ngã.
Khi thấy các dấu hiệu như: Trẻ ngủ li bì khó đánh thức, co giật hoặc khóc dỗ không nín, nôn liên tục dù không ăn uống gì, co giật, ăn ít hơn thường ngày, bỏ ăn hoặc bỏ bú, đau đầu nhiều, khó chịu, chóng mặt dùng thuốc giảm đau không giảm, thay đổi trong dáng đi, đứng, nói lắp; vết ngã sưng lớn, hoặc có vết thương hở sâu, có vết bầm tím khác thường trên đầu, lòng trắng mắt có máu tụ, chảy máu mũi, tai, miệng..., các cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để được các bác sĩ kịp thời cứu chữa, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.