Tàu ngầm hạt nhân tấn công nhanh lớp Seawolf USS Connecticut (SSN-22), bị hỏng nặng khi va phải núi ngầm khi đang tuần tra ở Biển Đông vào ngày 2.10.2021, khiến 11 thủy thủ bị thương.
Tàu Connecticut đang được sửa chữa tại nhà máy đóng tàu hải quân Puget Sound ở Bremerton, bang Washington. Việc sửa chữa dự kiến hoàn thành sớm nhất là vào năm 2026 - tờ The Drive cho hay.
Tháng 12.2021, chiếc tàu ngầm được đánh giá cao trở về cảng quê hương ở bang Washington, hoàn thành hành trình gian khổ băng qua Thái Bình Dương, phải di chuyển trong trạng thái nổi sau một chặng dừng khẩn cấp dài ở Guam và một chặng dừng khác ở San Diego.
Việc sửa chữa tàu ngầm trở nên phức tạp hơn bởi các ụ tàu tại nhà máy Puget Sound, cơ sở bảo trì trung gian (PSNS & IMF) và cơ sở tái trang bị Trident gần đó ở Bangor, Washington, đang phải nâng cấp.
Các bức ảnh cho thấy, tình trạng của tàu ngầm hạt nhân USS Connecticut dường như vẫn vậy, ít nhất là với những gì có thể nhìn thấy, so với hơn 1 năm rưỡi trước. Vòm sonar của tàu vẫn bị mất tích và rõ ràng là con tàu đã không hoạt động trong một thời gian dài.
Việc sửa chữa mũi tàu ngầm, sonar và các thành phần cấu trúc bên dưới sẽ là nhiệm vụ khó khăn, vì tàu ngầm lớp Seawolf đã ngừng sản xuất từ lâu. Ngoài ra, chỉ có ba chiếc tàu lớp này được chế tạo, trong đó một chiếc được sửa đổi nhiều theo đúng nghĩa - tàu ngầm USS Jimmy Carter (SSN-23) cực kỳ bí mật.
Chi phí sửa chữa phần mũi và cánh lái của chiến hạm này có thể lên đến 80 triệu USD.
Trước đây, những hỏng hóc tương tự đã được khắc phục bằng cách tận dụng các phụ tùng thay thế và tận dụng toàn bộ các bộ phận của tàu ngầm đã ngừng hoạt động cùng loại. Nhưng do chỉ có 3 chiếc cùng loại nên USS Connecticut không có lựa chọn như vậy.
Mặc dù SSN-22 đã hoạt động được 25 năm, nhưng tàu ngầm này là một tài sản quý giá đến mức Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục sửa chữa, do đó chiếm dụng không gian và nhân sự của nhà máy sửa chữa tàu trong nhiều năm.
Ít nhất tính đến tháng 11.2022, gần 40% hạm đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ đã phải tạm dừng bảo trì hoặc chờ bảo trì. Đây chỉ là một khía cạnh của cuộc khủng hoảng diễn ra chậm chạp do thiếu không gian ụ tàu và nhân sự để thực hiện việc sửa chữa.
Tuy nhiên, Hải quân Mỹ tin rằng việc sửa chữa Connecticut là lựa chọn tốt nhất, trong bối cảnh khoảng cách về quy mô của hạm đội Hải quân Mỹ với đối thủ tiềm năng Trung Quốc ngày càng lớn.
Vẫn cần phải chờ xem USS Connecticut sẽ trở lại sau thử thách này với hình dạng chính xác như thế nào. Ngoài việc sửa chữa, cũng có thể có những nâng cấp khác với con tàu ngầm tấn công đắt nhất thế giới - ước tính 8,5 tỉ USD này.