Theo Business Insider, trong suốt đại dịch, mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ đã có cách ứng phó của riêng mình, trong đó một số quốc gia tốt hơn những quốc gia khác. Các quốc gia và vùng lãnh thổ như New Zealand, Australia và Đài Loan (Trung Quốc) đã được ca ngợi về cách thức phản ứng nhanh chóng với COVID-19.
Cụ thể, trước khi ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên, New Zealand đã áp dụng các hạn chế đi lại vào ngày 3.2.2020 đối với du khách đến từ Trung Quốc đại lục. Australia có quy định chặt chẽ hơn so với hầu hết các nước khác - chỉ cho phép người dân đi lại trong phạm vi 5km từ nhà. Trong một bài viết cho tạp chí Time, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho biết, thành công của Đài Loan trong việc xử lý đại dịch COVID-19 không phải là ngẫu nhiên.
Trong khi đó, Việt Nam - nơi ghi nhận chưa đến 2.500 ca nhiễm COVID-19 và 35 ca tử vong - có dân số 97 triệu người và có chung biên giới với Trung Quốc, Campuchia và Lào. Viện nghiên cứu Lowy của Australia vào ngày 28.1.2021 đã xếp Việt Nam đứng thứ 2 trong 98 quốc gia và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất. Việt Nam xếp thứ 2 sau New Zealand.
Sự chủ động sớm của Việt Nam
Từ tháng 1.2020, Việt Nam đã tiến hành đánh giá rủi ro đầu tiên, ngay sau khi một chùm ca bệnh "viêm phổi nặng" được phát hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc. Guy Thwaites, bác sĩ bệnh truyền nhiễm làm việc tại một trong những bệnh viện chính được Chính phủ Việt Nam chỉ định để điều trị cho bệnh nhân COVID-19, nói với tờ Business Insider rằng, Chính phủ đã phản ứng rất nhanh chóng và mạnh mẽ.
"Các trường học bị đóng cửa, các chuyến bay quốc tế bị hạn chế. Chính phủ đã làm tất cả những việc đơn giản này một cách nhanh chóng" - bác sĩ Thwaites nói.
Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, cho biết, thành công của Việt Nam trong việc xử lý đại dịch có được nhờ 3 yếu tố: Truy vết liên hệ, xét nghiệm chiến lược và thông điệp rõ ràng. Thay vì xét nghiệm tất cả mọi người, họ xét nghiệm những người được xác định trong truy tìm liên hệ. Biên giới bị đóng cửa và tất cả những người đến Việt Nam đều được cách ly trong các cơ sở của chính phủ miễn phí.
Việt Nam chưa bao giờ rơi vào tình trạng đóng cửa toàn quốc
Trong một bài báo cho Liên Hợp Quốc, ông Malhotra viết rằng, Việt Nam đã thông báo về một đợt cách ly trên toàn xã (Sơn Lôi-PV) kéo dài 3 tuần vào tháng 2 năm ngoái. Việt Nam đã đóng cửa biên giới và đình chỉ các chuyến bay từ Trung Quốc đại lục, Anh, Châu Âu và phần còn lại của thế giới ngay sau đó.
Ông Malhotra viết, các khu vực có ca nhiễm sẽ bị đóng cửa cục bộ, không ai có thể ra vào. Thay vì đóng cửa toàn bộ đất nước, Thủ tướng đã thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên khắp đất nước trong hai tuần vào tháng 4. Đến đầu tháng 5, phần lớn người dân Việt Nam đã có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
Cách tiếp cận của Việt Nam chống lại virus đáng được ghi nhận hơn
Theo tờ báo Mỹ, Việt Nam có thể trở thành một điểm nóng COVID-19 do vị trí và dân số. Nhưng bằng cách sử dụng mô hình chi phí thấp và thực hiện các biện pháp an toàn cơ bản (như rửa tay và đeo khẩu trang), nước này đã có thể ngăn chặn virus trong vòng vài tháng sau đại dịch.
Không quốc gia nào có quy mô hoặc dân số tương tự lại kiềm chế đại dịch tốt như Việt Nam. Với dân số 102 triệu người, Ai Cập đã ghi nhận hơn 176.000 ca nhiễm COVID-19. Cộng hòa Dân chủ Congo - nước nằm giữa lục địa Châu Phi - đã ghi nhận hơn 24.000 ca mắc trong dân số 89 triệu người.
Mặc dù có chung đường biên giới với quốc gia nơi bùng phát dịch bệnh, nhưng câu chuyện thành công của Việt Nam là một điều đáng ghi nhận. Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc Kamal Malhotra Việt Nam cho hay, có nhiều người hoài nghi rằng chính phủ không chia sẻ dữ liệu nhưng đó không phải là sự thật. Dữ liệu được ghi lại theo thời gian thực và không có sự ép buộc nào trong các biện pháp được thực hiện ở đây.
Tờ báo Mỹ kết luận, người dân Việt Nam đang học cách sống trong cuộc sống bình thường mới, nhưng vẫn được khuyến khích thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.