Ai Cập đã bắt đầu giảm bớt ánh sáng tại các địa danh ở Cairo khi nước này tìm cách bán thêm khí đốt cho Châu Âu vốn đang thiếu năng lượng để kiếm thêm doanh thu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.
Tại thủ đô Cairo, đèn ở quảng trường Tahrir, trên một số đường phố, tòa nhà chính phủ và cửa hàng đã được giảm sáng vào ban đêm - tờ The Wall Street Journal đưa tin.
Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraina, lạm phát ở Ai Cập và nhiều quốc gia khác ở Châu Phi đã gia tăng. Đồng thời, đồng USD tăng giá làm giảm giá trị của đồng nội tệ trong việc thanh toán hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, Ai Cập có khí đốt và bằng cách giảm sử dụng khí đốt để sản xuất điện trong nước, quốc gia này đang xuất khẩu nhiều khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) hơn sang Châu Âu, nơi đã chi bộn USD trong năm nay để tích trữ khí đốt nhiều nhất có thể trước mùa đông.
Ai Cập có thể cung cấp cho Châu Âu nhiều khí đốt hơn, đồng thời sẽ nhận được ngoại tệ cho hoạt động xuất khẩu LNG của mình - điều rất cần thiết đối với nền kinh tế Bắc Phi đang bị tàn phá bởi cuộc chiến ở Ukraina ngay sau cuộc suy thoái do COVID-19 gây ra.
Hiện nay, Ai Cập đang tìm cách giảm 15% lượng khí đốt mà nước này sử dụng để sản xuất điện để bán sang Châu Âu.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý gia hạn thỏa thuận trị giá 3 tỉ USD nhằm mục đích bảo vệ ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện khả năng phục hồi của Ai Cập trước những cú sốc bên ngoài, củng cố mạng lưới an sinh xã hội và đẩy mạnh cải cách làm nền tảng cho tăng trưởng cao hơn ở khu vực tư nhân và tạo việc làm.
Thỏa thuận này phải được sự chấp thuận của Ban điều hành IMF.
“Việc Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) chuyển sang chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt là một bước quan trọng và đáng hoan nghênh để tháo gỡ sự mất cân bằng bên ngoài, tăng khả năng cạnh tranh của Ai Cập và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cam kết linh hoạt tỷ giá hối đoái lâu dài trong tương lai sẽ là chính sách nền tảng để tái thiết và bảo vệ khả năng phục hồi Ai Cập trong dài hạn” - IMF cho biết vào tháng 10.