Quyết định “không nên xem nhẹ”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho hay: “Quyết định này không nên xem nhẹ. Nó phản ánh mối quan ngại của Mỹ với những khoản nợ ngày càng nhiều tại UNESCO, sự cần thiết phải cải cách cơ bản trong tổ chức và sự thành kiến với Israel đang tiếp diễn tại đây”.
Trong thông báo rút lui, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ chính thức rút khỏi UNESCO từ ngày 31.12.2018 tiếp tục tham gia trong vai trò của một quan sát viên, Tân Hoa Xã
đưa tin.
Theo VOA, các quan chức Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Rex Tillerson là người đưa ra quyết định và nói rằng Mỹ đang tức giận đối với các nghị quyết của UNESCO bác bỏ mối liên kết của người Do Thái với các thánh địa và quyền của Israel ở Jerusalem.
Mỹ ngừng tài trợ sau khi UNESCO kết nạp Palestine làm thành viên năm 2011. Tuy nhiên, Mỹ tiếp tục duy trì văn phòng tại trụ sở chính của tổ chức ở Paris. Và khoản đóng góp theo cam kết 80 triệu USD mỗi năm của Mỹ cho UNESCO tới nay đã lên tới khoảng 550 triệu USD.
Vài giờ sau quyết định của Mỹ, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cũng tuyên bố Israel cũng rút khỏi tổ chức UNESCO đồng thời gọi động thái mới của Mỹ là quyết định “dũng cảm và có đạo đức”.
Cộng đồng quốc tế thất vọng
Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova bày tỏ sự thất vọng và cho rằng việc Mỹ rút lui sẽ là một tổn thất cho đại gia đình Liên Hợp Quốc và là một sự “mất mát cho chủ nghĩa đa phương” “vào thời điểm các cuộc xung đột đang phá hủy sự bình yên của các xã hội trên toàn thế giới thật đáng tiếc khi Mỹ rút khỏi tổ chức nhằm thúc đẩy giáo dục hòa bình và bảo vệ các nền văn hóa của Liên Hợp Quốc”.
Thông qua người phát ngôn, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ nhất là khi “xem xét vai trò to lớn của Mỹ với UNESCO kể từ khi thành lập”.
Trong khi đó, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Miroslav Lajcak quan ngại hành động của Mỹ “có thể có những tác động tiêu cực đến công việc quan trọng của UNESCO”. Nhấn mạnh vai trò của Mỹ trong hợp tác đa phương, Chủ tịch Miroslav Lajcak nhắc lại sự cần thiết phải tiếp tục tham gia vào công việc của UNESCO.
Tương tự, Pháp lấy làm tiếc về quyết định rút lui “vào thời điểm sự hỗ trợ quốc tế cho tổ chức này là yếu tố mang tính quyết định”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Agnes Romatet-Espagne nhấn mạnh: “Tương lai của UNESCO quan trọng đặc biệt đối với Pháp”, đồng thời nhắc lại cam kết của Paris đối với tổ chức này, góp phần đạt được mục tiêu hòa bình của Liên Hợp Quốc. Đại sứ Pháp tại Liên Hợp Quốc Francois Delattre nói rằng cộng đồng quốc tế “cần một nước Mỹ luôn cam kết với các vấn đề thế giới”.
Phía Nga cảnh báo việc Mỹ rút khỏi UNESCO sẽ làm gián đoạn một số dự án quan trọng của tổ chức. Nga cùng bày tỏ quan ngại chung với nhiều nước rằng hoạt động của UNESCO thời gian gần đây đang có dấu hiệu bị chính trị hóa. Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ hy vọng Tổng Giám đốc mới của UNESCO sẽ tập trung vào các vấn đề nhân đạo, tạo điều kiện để các nước, trong đó có Mỹ, tiếp tục hợp tác có lợi trong các lĩnh vực thuộc phạm vi của tổ chức.
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ rút khỏi tổ chức chuyên môn này của Liên Hợp Quốc. Mỹ rút khỏi UNESCO năm 1983 dưới thời chính quyền Tổng thống Ronald Reagan và trở lại tổ chức này năm 2002 dưới thời Tổng thống George W.Bush.