Các sao băng Geminid đã bắt đầu xuất hiện nhỏ lẻ và rải rác trên bầu trời Trái đất kể từ ngày 7.12 và tăng dần hoạt động trong các đêm tiếp theo cho đến khi đạt đến cực điểm vào đêm 13 và sáng sớm 14.12.
Theo ghi chép, mưa sao băng Geminid được biết đến là có nhiều thiên thạch sáng, màu vàng, di chuyển chậm, một số khá mờ và tương đối ít có độ sáng trung bình.
Và thỉnh thoảng, một quả cầu lửa Geminid rực sáng ngoạn mục sẽ tỏa sáng ngay cả dưới ánh trăng. Trong cuốn sách "Quan sát sao băng" do Liên đoàn Thiên văn học xuất bản, các nhà thiên văn học David Levy và Stephen Edberg lưu ý rằng: "Nếu chưa nhìn thấy một quả cầu lửa Geminid hoành tráng, phóng một cách duyên dáng trên bầu trời rộng lớn, thì bạn chưa nhìn thấy sao băng".
Tuy nhiên, việc quan sát năm nay sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ bởi ngày trăng tròn rơi vào ngày 18.12. Ánh trăng sáng tràn ngập bầu trời gây cản trở cho những ai muốn tận mắt chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ thú này.
Theo chuyên gia, năm nay, có lẽ thời điểm tốt nhất để săn sao băng Geminid sẽ là vào khoảng thời gian trước bình minh của 3 ngày 13,14 và 15.12 - thời điểm chòm sao Gemini ở trên cao phía tây bắc của bầu trời. Cụ thể, bạn sẽ có 3,5 tiếng khi trời còn tối hoàn toàn đến rạng sáng 13.12, đến 14.12 giảm xuống 2,5 tiếng và 1,5 tiếng vào 15.12, để quan sát sao băng.
Hãy chọn một địa điểm có bầu trời rộng mở và không bị ảnh hưởng bởi ánh đèn thành phố, lý tưởng nhất là ở một cánh đồng ngoại thành hay một khu vực cao nguyên có núi cao che khuất mặt trăng. Ngoài ra bạn cần mặc đủ ấm, bảo vệ cơ thể trong thời tiết đêm đông lạnh giá và cũng thể mang theo chút cà phê nóng để giữ tỉnh táo trong khi bao quát bầu trời.
Một điểm khiến Geminid khác biệt với các trận mưa sao băng khác ở chỗ chúng không phải sinh ra từ một sao chổi thông thường mà từ 3200 Phaethon, một tiểu hành tinh có quỹ đạo bất thường cắt ngang Trái đất.