Tại cửa hàng Hooked Fish & Chips ở tây London, Bally Singh đang chật vật để tiếp tục kinh doanh món cá và khoai tây chiên trong bối cảnh giá nguyên liệu như cá, khoai tây, dầu ăn và thậm chí cả bột mỳ tăng vọt.
Không có khách hàng, Singh cùng nhiều chủ cửa hàng giống anh sớm phải tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng từ cuộc xung đột quân sự ở Ukraina, COVID-19 và Brexit.
“Giá cá tăng phi mã, giá dầu tăng phi mã… mọi thứ liên quan đến món ăn chúng tôi bán đều tăng phi mã”, Singh nói với Reuters.
Thủ tướng Anh Boris Johnson từng cam kết “xây dựng lại tốt hơn” từ đại dịch nhưng giờ đây, giá cả tăng đang đẩy kinh tế Anh thêm chệch hướng.
1/3 số cửa hàng bán cá và khoai tây chiên nguy cơ phá sản năm nay do “cơn bão hoàn hảo” áp lực giá, theo Company Debt, công ty chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn tại Anh. Chỉ trong một năm, giá hai loại cá được ưa chuộng ở Anh - cá tuyết và cá tuyết chấm đen - tăng 75%, giá dầu hướng dương tăng 60%, giá bột mỳ tăng 40%.
Lạm phát ở Anh lên đỉnh 40 năm trong tháng 4, ở 9%, cao nhất trong G7 và dự báo còn tăng hơn nữa. Người tiêu dùng Anh bi quan hơn so với Châu Âu nói chung, dẫn đến làn sóng chỉ trích chính phủ và ngân hàng trung ương Anh vì không kiểm soát được giá.
Một suất cá và khoai tây chiên tại cửa hàng của Singh hiện có giá 9,5 bảng, cao hơn so với 7,95 bảng một năm trước. Singh nói nếu chuyển toàn bộ chi phí sang người tiêu dùng, giá bán sẽ gần 11 bảng.
“Chúng tôi rất khó để giữ mức giá hợp lý, cạnh tranh với các loại đồ ăn nhanh khác. Chúng tôi đã thấy doanh số giảm”.
Ở thị trấn ven biển Swanage, miền nam Anh, lạm phát cao khiến người tiêu dùng khó đưa ra lựa chọn hơn.
“Với tôi, vào cửa hàng và mua một phần ăn không thành vấn đề, nhưng đã mất 11 bảng chỉ cho một người”, Paula Williams, 66 tuổi, ngồi trên ghế băng bên ngoài cửa hàng Fish Plaice, nói. “Khi đi thành nhóm 5 – 6 người, tổng chi phí còn đắt hơn đến nhà hàng”.
Nguy cơ phá sản
Cá và khoai tây chiên là món ăn phổ biến ở Anh kể từ khi xuất hiện khoảng 160 năm trước.
Những cửa hàng bán cá và khoai tây chiên bắt đầu gặp khó khăn từ sau Brexit, công ty đánh bắt cá xa bờ UK Fisheries cho biết, ước tính sản lượng cá tuyết Bắc Cực mà Anh được phép đánh bắt năm nay giảm khoảng 40% so với khi London còn trong Liên minh Châu Âu (EU).
Xung đột quân sự Nga - Ukraina đẩy giá nhiên liệu và điện tăng, càng làm gia tăng chi phí đánh bắt, chế biến cá. Cuộc chiến cũng khiến giá dầu ăn, phân bón và bột mỳ tăng vọt.
Cá tuyết và cá tuyết chấm đen chủ yếu đến từ Biển Barents, phía bắc Na Uy và Nga. Tháng 3, chính phủ Anh đưa cá thịt trắng Nga vào danh sách hàng hóa chịu thuế 35% để trừng phạt Nga và đã phải tạm dừng biện pháp này.
Dầu hướng dương là mặt hàng chính Anh nhập khẩu từ Ukraina. Chính phủ Anh cho biết đang tìm cách thay thế dầu hướng dương bằng loại dầu khác, như mua thêm hạt cải dầu từ Australia.
Người phát ngôn Bộ Các vấn đề Môi trường, Thực phẩm và Nông thôn Anh thông báo đang “phối hợp chặt chẽ với ngành, trong đó có NFFF - liên đoàn quốc gia bảo vệ quyền lợi các thành viên ngành cá và khoai tây chiên - để giảm thiểu khó khăn đang phải đối mặt”.
Tuy nhiên, NFFF cho biết các cửa hàng bán cá và khoai tây chiên đang đối mặt cuộc khủng hoảng lớn chưa từng thấy.
“Ngày nào tôi cũng nhận được điện thoại từ những người lo ngại họ sắp phá sản”, Andrew Crook, chủ tịch NFFF, chia sẻ.
Tại Swanage, thợ xây Malcolm Petherick, 73 tuổi, lo ngại những thay đổi ông chứng kiến trong đời có thể dẫn đến việc Anh mất đi một phần bản sắc văn hóa.
“Khi tôi còn nhỏ, cá và khoai tây chiên là bữa ăn của người nghèo”, ông kể lại. “Giờ đây, mua hai suất cá và khoai tây chiên mất đến 23 bảng. Gia đình nào đủ khả năng mua?”.