Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa giải đáp được nghịch lý đặc biệt khiến họ bối rối trong nhiều năm: Tại sao lợn rừng chứa lượng phóng xạ cao hơn nhiều so với các loài khác như hươu và hoẵng.
Hiện nay, những phép đo chính xác hơn cho phép các nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo) và Đại học Leibniz của Hannover (Đức) giải được câu đố này.
Trong bài báo mới đăng trên tạp chí Khoa học và Công nghệ Môi trường, các nhà khoa học giải thích, tình trạng nhiễm phóng xạ cao ở lợn rừng thường liên quan tới các vụ thử vũ khí hạt nhân diễn ra trước thảm họa Chernobyl và sở thích ăn nấm cục của lợn.
Theo đó, nhóm do Giáo sư Georg Steinhauser tại Đại học Công nghệ Vienna dẫn đầu đã giải mã nguồn gốc lượng phóng xạ trong thịt lợn rừng.
Chất phóng xạ caesium là kết quả của cả vụ nổ vũ khí hạt nhân và sản xuất năng lượng hạt nhân. Nguyên tố này có thành phần đồng vị khác nhau, caesium-135 và caesium-137, tùy thuộc vào nguồn. Thông qua phân tích tỉ lệ của những đồng vị này, các nhà nghiên cứu có thể xác định chính xác nguồn phóng xạ.
Theo các tài liệu trước đây, tỉ lệ caesium-137 cao hơn cho thấy có nguồn từ một vụ nổ vũ khí hạt nhân và tỉ lệ thấp hơn có liên quan đến các lò phản ứng hạt nhân.
Trong gần 50 mẫu thịt lợn rừng được thu thập, nhóm nghiên cứu phát hiện 88% mẫu vượt giới hạn quy định về chất phóng xạ caesium trong thực phẩm ở Đức.
Tính toán tỉ lệ đồng vị caesium trong các mẫu, các nhà nghiên cứu phát hiện ra, từ 10-68% ô nhiễm là phóng xạ từ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Nhà hóa học phóng xạ Georg Steinhauser cho hay, lợn rừng có thể đã ăn cesium từ nấm cục mà chúng đào lên và ăn trong mùa đông khi khan hiếm ngô và quả sồi trên mặt đất.
Về phần mình, caesium thấm qua đất và được nấm hấp thụ. Điều này cũng giải thích tại sao các quan sát nhận thấy mức độ phóng xạ ở lợn rừng cũng cao hơn vào mùa đông.
Theo nhà khoa học Steinhauser, caesium từ cả cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và vụ tai nạn Chernobyl lan truyền khắp lòng đất. Tuy nhiên, cho tới nay nấm dường như chỉ hấp thụ caesium từ cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Caesium thấm rất chậm qua đất, đôi khi chỉ một milimet mỗi năm. Trong khi đó, nấm cục hấp thụ những caesium “cũ hơn” từ 6 thập kỷ trước. Caesium “trẻ hơn” từ Chernobyl có thể chưa được hấp thụ hoàn toàn.