Vẫn còn nhiều điều chưa biết về nền văn minh cổ đại tại Tam Tinh Đôi - địa điểm nằm ở tỉnh Tứ Xuyên ngày nay trên thượng nguồn sông Dương Tử.
Tuy nhiên, các nhà sử học và khảo cổ học tin rằng, những khám phá tại di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi có thể đưa ra lời giải thích mới cho cách hiểu chính thống rằng nền văn minh Trung Hoa cổ đại chủ yếu tập trung dọc theo lưu vực sông Hoàng Hà ở phía bắc đất nước.
Phát hiện mới nhất do nhóm các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Tứ Xuyên và Đại học Bắc Kinh thực hiện.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng carbon để đánh giá 14 trong số 73 mẫu khai quật từ 6 hố hiến tế ở di chỉ Tam Tinh Đôi.
Hố số 4 - nơi hầu hết các mẫu phân tích được tìm thấy - có niên đại từ 1199 trước công nguyên đến 1017 trước công nguyên, trùng với giai đoạn cuối thời nhà Thương ở miền bắc Trung Quốc.
Hai hố tế lễ khác ở di chỉ Tam Tinh Đôi được khai quật năm 1986 cũng có niên đại từ triều đại nhà Thương, kéo dài từ khoảng năm 1600 trước công nguyên đến 1046 trước công nguyên.
Các nhà khảo cổ đã khai quật 6 hố hình chữ nhật từ tháng 10 năm ngoái sau khi phát hiện các hố này trong giai đoạn từ tháng 6.2019 đến tháng 5.2020.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã khai thuật được hơn 500 đồ vật, trong đó có các mảnh vỡ của mặt nạ vàng, đồ trang trí hình con chim bằng vàng, các đồ vật bằng đồng, ngà voi và ngọc bích.
Bản tin của đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV ngày 23.3 cho biết, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy một số đĩa vàng mỏng tại hố số 5 - nơi hầu hết mảnh vàng được phát hiện.
Mục đích sử dụng của những đĩa vàng này vẫn còn là bí ẩn. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu cách sắp xếp của những đĩa vàng tại địa điểm này trong tương quan với các di tích khác.
Nhiều cổ vật bằng đồng và vỏ sò cũng được phát hiện tại hố số 3, nhưng các nhà khảo cổ học vẫn đang làm việc để loại 127 mảnh ngà voi được xếp chồng lên chúng.
Các nhà khảo cổ cũng đang làm việc để di chuyển các mảnh gốm để chạm tới một đai bằng vàng dài ở phía bên dưới món đồ gốm ở hố số 4.
Di chỉ Tam Tinh Đôi được phát hiện năm 1929, trải dài trên khu vực rộng 12km2. Di chỉ này bao gồm những tàn tích của một thành phố cổ ở trung tâm cùng với các hố hiến tế và một khu vực chôn cất.
Cơ quan di sản của Trung Quốc cho biết, cuộc khai quật mới nhất nằm trong dự án nhằm tìm hiểu thêm về cách nền văn minh cổ đại ở khu vực này phát triển và trở thành một phần quan trọng của văn hóa Trung Quốc.