Theo Koreajoongang Daily, một loạt các dấu hiệu đáng ngại, trước tiên là sự khôi phục gần như hoàn toàn bãi phóng tên lửa ở bờ biển phía tây - làm dấy lên suy đoán rằng Bình Nhưỡng đang chuẩn bị phóng tên lửa.
Thông tin về khả năng phóng tên lửa của Triều Tiên được người đứng đầu cơ quan tình báo Hàn Quốc Suh Hoon công bố trong cuộc họp Quốc hội Hàn Quốc vào ngày 29.3.
Ông cho biết, Bình Nhưỡng đã bắt đầu khôi phục lại bãi phóng vệ tinh Sohae từ tháng 2, đến nay đã hoàn tất và một vụ phóng sẽ được tiến hành ngay chỉ cần chỉ thị từ lãnh đạo Kim Jong-un.
Nếu Bình Nhưỡng thực sự chuẩn bị phóng tên lửa, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ khi lập lại quan hệ với Seoul và sau đó là Washington trong năm ngoái, và động thái này có thể xoay chuyển hoàn toàn những gì các bên đã đạt được trong năm qua.
Sohae là nơi Triều Tiên phóng vệ tinh Kwangmyongsong-4 vào tháng 2.2016. Tại hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bình Nhưỡng vào tháng 9 năm ngoái, ông Kim Jong-un đã cam kết phá dỡ Sohae và một số hoạt động đã được thực hiện để tiến hành việc tháo dỡ này.
Đầu tháng 3, các nguồn tin ở Seoul cho hay, Bình Nhưỡng có thể phóng từ Sohae một vệ tinh được trang bị công nghệ mới từ Trung Quốc.
Triều Tiên làm rõ sự khác biệt giữa thử nghiệm tên lửa đạn đạo quân sự với việc phóng vệ tinh - cho mục đích nghiên cứu và hòa bình. Tuy nhiên, các chuyên gia hạt nhân ở nước ngoài lưu ý, yếu tố sử dụng cùng một loại tên lửa cho cả 2 mục đích này khiến cho sự khác biệt đó trở nên vô nghĩa. Các vụ phóng tên lửa bất kỳ do Bình Nhưỡng tiến hành đều bị cấm theo Nghị quyết 1695 của Liên Hợp Quốc thông qua năm 2006.
Bình Nhưỡng không loại trừ khả năng tiếp tục đối thoại sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump hồi cuối tháng 2. Tuy nhiên, các nhà ngoại giao Triều Tiên đã hủy họp vào phút chót trong các cuộc đàm phán đầu tiên (track 1.5) vốn lên kế hoạch tổ chức tại Đức vào ngày 27.3 và tại Phần Lan ngày 29.3.
Các cuộc thảo luận này, có sự tham gia của các quan chức chính phủ cũng như các nhân tố ngoài nhà nước từ Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên, trong nỗ lực của Seoul nhằm thúc đẩy đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Theo nguồn tin ngoại giao Hàn Quốc, ban đầu Triều Tiên thông báo sẽ cử Ri Jong-hyok - Phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình Châu Á - Thái Bình Dương và Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son-hui tham dự từng cuộc đàm phán. Tuy nhiên, vài ngày trước sự kiện, các nhà tổ chức được thông báo Triều Tiên sẽ không tham dự. Do đó, các sự kiện này đều bị hủy bỏ.
Trong diễn biến khác, Washington và Seoul đã có những động thái riêng. Máy bay trinh sát của Mỹ chuyên quan sát tên lửa đạn đạo đã được triển khai tới căn cứ của Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản hôm 30.3.
Theo Airplane Spots - một tài khoản Twitter theo dõi máy bay quân sự trên toàn thế giới, một máy bay RC-135S hay còn gọi là Cobra Ball của Không quân Mỹ đã được phát hiện đến Căn cứ Không quân Kadena ở Okinawa vào khoảng 10h30 tối 30.3 sau khi rời căn cứ quân sự của Mỹ ở Ấn Độ Dương sáng cùng ngày.
Không quân Mỹ chỉ có 3 chiếc Boeing RC-135S đang hoạt động. RC-135 từng được triển khai tại Kadena trong năm 2017 khi Triều Tiên phóng hàng chục tên lửa trong vài tháng.
Hàn Quốc cử các quan chức cấp cao, trong đó có Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng đến Washington trong tuần này để trao đổi về các diễn biến với những người đồng cấp Mỹ.
Theo một nguồn tin chính phủ khác ở Seoul, chính quyền Tổng thống Moon Jae-in cũng đang cân nhắc việc cử đặc phái viên tới Bình Nhưỡng để thuyết phục nước này không đảo ngược tiến trình hòa bình.