Lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông không được bảo vệ sẽ không có COC

Vân Anh thực hiện |

Việt Nam có quyền từ chối đồng thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nếu những lợi ích hợp pháp của Việt Nam không được bảo vệ trước những hành động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trao đổi với Lao Động về những diễn biến ở bãi Tư Chính, giáo sư Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia nêu ý kiến, Việt Nam nên nói rõ với các quốc gia thành viên ASEAN rằng Việt Nam từ chối đồng thuận về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nếu những lợi ích hợp pháp của Việt Nam không được bảo vệ trước những hành động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

- Theo giáo sư, tại sao Trung Quốc gây áp lực tại bãi Tư Chính vào thời điểm này?

- Vào tháng tháng 7.2017 và tháng 3.2018, Trung Quốc thách thức hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam ở gần bãi Tư Chính.

Mặc dù vấn đề này chưa được giải quyết, song Trung Quốc kết luận rằng họ phải ép Việt Nam hơn nữa để đáp ứng mong muốn của họ. Khi công ty dầu khí Rosneft của Nga nối lại hoạt động thăm dò hồi tháng 5 vừa qua ở lô 06-1, Trung Quốc quyết định thách thức quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển này bằng cách cho tàu vào khảo sát địa chấn và quấy rối các tàu dịch vụ ở lô 06-1.

- Ý đồ thực sự đằng sau việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông là gì, thưa giáo sư?

- Trung Quốc tìm kiếm quyền bá chủ trên Biển Đông, bao gồm cả việc khai thác tài nguyên biển trong vùng nước và thềm lục địa nằm ở khu vực (mà họ gọi là) “đường 9 đoạn”. Tìm cách phá vỡ và chấm dứt quan hệ thương mại giữa các công ty dầu khí nước ngoài và các quốc gia Đông Nam Á là một phần trong âm mưu giành quyền bá chủ của Trung Quốc.

Trung Quốc muốn ràng buộc tất cả các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, phải cùng phát triển tài nguyên biển, bao gồm cả việc hợp tác thăm dò khai thác dầu khí giữa các công ty dầu khí quốc gia, và loại trừ các công ty nước ngoài.

- Nói như vậy thì việc Trung Quốc triển khai nhóm tàu khảo sát đến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam là nhằm ngăn cản những lợi ích của Việt Nam trước khi đạt được thoả thuận về COC?

- Trung Quốc và ASEAN vào tháng 8 năm ngoái đã đạt được thoả thuận một “văn bản duy nhất” trong đàm phán về COC. Nhưng với những hành động nêu trên, rõ ràng Trung Quốc muốn tất cả việc khai thác tài nguyên ở Biển Đông chỉ được thực hiện bởi Trung Quốc và các nước ASEAN chứ không phải các quốc gia khác.

Trung Quốc muốn là đối tác duy nhất của các quốc gia trong khu vực về thăm dò và khai thác dầu khí. Hay nói cách khác, Trung Quốc đang tìm cách chấm dứt hoạt động của các đối tác nước ngoài của Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông. Trong khi đó, chủ trương khai thác chung này thực chất là để Trung Quốc dễ thực hiện âm mưu bá quyền của mình.

- Thưa giáo sư, Việt Nam cần phải làm gì để một mặt bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình, mặt khác không để căng thẳng leo thang?

- Việt Nam phải tuân theo luật pháp quốc tế và phản ứng tương xứng với bất kỳ hành vi đe doạ hay cưỡng ép nào của Trung Quốc. Việt Nam cần tiếp tục phản đối ngoại giao tới Bắc Kinh về hành vi xâm phạm quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Việt Nam cũng phải tham gia các cuộc tham vấn với Trung Quốc để giải quyết vấn đề này.

Phản đối ngoại giao và tham vấn là cần thiết để chứng tỏ rằng Việt Nam đang tìm kiếm một giải pháp hoà bình để giải quyết tranh chấp, và đặt nền tảng cần thiết để nếu cần sẽ thực hiện các biện pháp pháp lý theo UNCLOS.

Cùng lúc, Việt Nam nên tiếp tục sử dụng các biện pháp chính trị và ngoại giao lập luận về trường hợp của mình với các nước thành viên ASEAN, bởi cả Malaysia và Philippines đều chịu sự ép buộc của Trung Quốc về vấn đề trên biển trong năm nay. Việt Nam cần nỗ lực củng cố chính sách của ASEAN về Biển Đông trong các tuyên bố của Chủ tịch ASEAN.

Việt Nam nên nói rõ với các quốc gia thành viên ASEAN rằng Việt Nam từ chối đồng thuận về COC nếu những lợi ích của Việt Nam không được bảo vệ trước những hành động phi pháp trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên đề xuất hợp tác với các nước trên thế giới, bao gồm các nước lớn và các cường quốc biển, theo ít nhất hai cách.

Trước hết, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với lực lượng bảo vệ bờ biển của các quốc gia có cùng chí hướng, tiến hành các hoạt động và diễn tập song phương và đa phương nhằm nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực hàng hải.

Những cuộc diễn tập này nên được thực hiện thường xuyên và thiết lập “thông lệ mới” của sự hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, Nhật và các nước khác với cảnh sát biển Việt Nam.

Cuối cùng, Việt Nam cần để ngỏ mọi lựa chọn theo luật pháp quốc tế. Việt Nam cần chuẩn bị tốt hồ sơ nếu phải giải quyết tranh chấp bắt buộc theo Phụ lục 7 UNCLOS.

Việt Nam cũng nên tìm hiểu khả năng trừng phạt đối với những công ty nhà nước Trung Quốc cố tình vi phạm luật pháp quốc tế. Quốc hội Mỹ có thể dự thảo các biện pháp trừng phạt và Việt Nam có thể tuyên bố ủng hộ.

- Xin cảm ơn giáo sư!

Vân Anh thực hiện
TIN LIÊN QUAN

Việt Nam nói về bước tiếp theo giải quyết vụ tàu Hải Dương 8 ở Biển Đông

Thanh Hà |

Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng cùng các nước và cộng đồng quốc tế nỗ lực đóng góp vào mục tiêu vì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển của tất cả các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết. 

Trung Quốc ngăn cản Việt Nam thăm dò dầu khí là vô lý, ngang ngược

HẢI ANH (thực hiện) |

Trả lời phỏng vấn Lao Động, ông Lê Văn Nghiêm - nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông - nhận định, hoạt động trái phép của các tàu Trung Quốc ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam nhằm ngăn cản các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam là hành động vô lý, ngang ngược.

Trung Quốc phải chấm dứt xâm hại chủ quyền của Việt Nam

ĐẠI SỨ TRẦN ĐỨC MẬU - NGUYÊN VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI - BỘ NGOẠI GIAO |

Điều đáng lo ngại sâu sắc đối với cả khu vực và thế giới không chỉ có những hành động bất chấp luật pháp quốc tế hiện tại hay trong quá khứ, mà còn cả về những hành vi tương tự, thậm chí còn có thể nghiêm trọng hơn của Trung Quốc trong tương lai ở khu vực Biển Đông thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Vụ sập cầu Phong Châu, tìm thấy 1 thi thể trong xe tải dưới sông

Tô Công |

Phú Thọ - Chiều 20.9, lực lượng chức năng trong quá trình trục vớt kết cấu cầu Phong Châu bị sập và phương tiện đã phát hiện 1 thi thể trong chiếc xe tải.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.

Công an xuất hiện tại công ty trúng nhiều gói thầu

HOÀI THANH |

Lực lượng Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có mặt tại trụ sở Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tập đoàn Việt Anh.