Trong khi một số nước Châu Âu đang tranh luận về việc mở lại nền kinh tế, thì bang Lower Sachsen tập trung vào vấn đề cấp bách hơn. Khách hàng mua kem được phép ăn miếng đầu tiên trong cửa hàng để ngăn chặn việc kem rớt vào quần áo hoặc sàn nhà, trước khi đi xa 50 mét, khoảng cách an toàn để ăn nốt phần còn lại.
Cửa hàng kem là một trong số hàng nghìn cơ sở kinh doanh hoạt động trở lại trong tuần này ở Đức.
Cũng như các nhà hàng và quán cà phê, việc ăn uống trong khuôn viên vẫn bị nghiêm cấm và khách hàng không được phép tiêu thụ thực phẩm nếu chưa giữ khoảng cách tối thiểu 50 mét.
Tuy nhiên, nhiệt độ vào mùa Xuân ở Đức đã tăng trên 20 độ C, chính quyền bang đã ban lệnh miễn trừ đặc biệt để ngăn kem chảy.
"Một cách tiếp cận thực tế được cho phép khi áp quy định trong việc ăn kem" - Telegraph trích dẫn thông tin trên trang web của chính phủ Đức. “Được phép ăn miếng kem đầu tiên trước khi rời khỏi cửa hàng để tránh kem rớt vào quần áo hoặc sàn nhà. Tuy nhiên, bạn phải đi xa tối thiểu 50 mét mới được ăn nốt phần kem còn lại".
Vào ngày 20.4, nước Đức bắt đầu nới lỏng phong tỏa, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi công dân Đức vẫn nên tuân thủ phòng chống dịch và giãn cách xã hội.
Một số cửa hàng bắt đầu mở cửa trở lại trong tuần này trên khắp nước Đức. Tuy nhiên, nhà hàng, quán bar vẫn đóng cửa.
Thủ tướng Merkel cảnh báo công dân nước mình rằng đại dịch sẽ còn kéo dài.
"Chúng ta không được phép nghĩ mình đã an toàn. Việc phong tỏa mới sẽ được đưa ra nếu số lượng nhiễm virus tăng trở lại", Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Merkel còn kêu gọi chính quyền khu vực bám sát nới lỏng phong tỏa và cảnh báo: "Có thể là một sai lầm khi tiến tới việc này quá nhanh".
Theo hệ thống liên bang của Đức, việc nới lỏng phong tỏa phụ thuộc vào chính quyền tiểu bang. Điều này dẫn đến những lo ngại có nhiều quy định khác nhau được đưa ra.
Các cửa hàng ở thủ đô Berlin vẫn đóng cửa cho đến ngày 22.4, trong khi đó ở bang Bavaria điều này tiếp diễn cho đến tuần sau.
Bavaria trở thành bang mới nhất quy định việc bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và khi mua sắm. Thành phố đầu tiên ở Đức đưa ra quy định này là Jena. Nơi đây đã không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong vòng 11 ngày liên tiếp kể từ khi áp lệnh được gần 3 tuần.