- Thưa ông, việc Thủ tướng Dmitry Medvedev từ chức và giải thể chính phủ Nga có phải là bất ngờ? Những tính toán đằng sau quyết định này là thế nào?
- Đối với dư luận thì có thể đây là thông tin bất ngờ, nhưng đằng sau quyết định này chắc chắn là một sự bàn bạc và tính toán sâu sắc. Bước vào thập niên mới, như Tổng thống Putin đã tuyên bố trong thông điệp liên bang hôm 15.1, xã hội Nga đã có những tiến triển phù hợp và đòi hỏi những thay đổi mới trong việc vận hành nhà nước. Trước hết là cần có những sửa đổi trong Hiến pháp. Trong thông điệp, ông Putin khẳng định bản thân bộ luật cơ bản của Nga không cần thay đổi sâu sắc nền tảng, nhưng cuộc sống đòi hỏi phải có những sửa đổi do tình hình đã thay đổi. Xã hội, theo ông Putin nói, về mặt dân chủ đã chín muồi hơn, hoạt động của hệ thống chính trị các chính đảng nước Nga đã khác trước, sự gắn kết của xã hội cũng khác.
Những thay đổi mà ông Putin đề xuất chủ yếu là về cơ cấu quyền lực, dẫn tới thay đổi cán cân quyền lực và tạo đòn bẩy mới để kiểm soát quyền lực. Quốc hội Nga sẽ có quyền được chọn thủ tướng và các vị trí then chốt khác trong chính quyền, thay cho việc tổng thống bổ nhiệm thủ tướng. Khi Tổng thống Putin đã đề xuất và hướng tới việc thực hiện các đề xuất thì động thái từ chức của chính phủ, trong đó có Thủ tướng Medvedev là tất yếu.
- Ông có thể phân tích rõ hơn về việc thay đổi cán cân quyền lực như ông vừa nói ở trên?
- Đằng sau tất cả những động thái này, các nhà phân tích Nga và thế giới nhận định, với quy định của Hiến pháp hiện hành thì vào năm 2024 Tổng thống Putin sẽ kết thúc nhiệm kỳ và sẽ không tái tranh cử nữa. Hiện nay các nhà phân tích cho rằng ông Putin đang chuẩn bị nhiều vấn đề cho kỷ nguyên “hậu Putin”. Ở thời điểm đó, ông Putin sẽ làm gì thì chưa rõ, nhưng cũng có những phương án ông Putin, khi ấy 72 tuổi, vẫn có thể tiếp tục hoạt động ở cấp cao nữa, nhưng không phải tổng thống.
Hiện nay những sửa đổi Hiến pháp mà ông Putin đề xuất rõ ràng làm tăng quyền lực cho quốc hội, giảm bớt quyền lực của tổng thống, mặc dù ông khẳng định rằng nước Nga với đặc thù của mình vẫn phải là một nước cộng hòa tổng thống, chứ không phải cộng hòa nghị viện. Giới phân tích cũng nói rằng những năm ông Putin làm tổng thống thì nước Nga là nước siêu cộng hòa tổng thống. Nhưng với đề xuất sửa đổi Hiến pháp thì quyền hạn của tổng thống sẽ có phần giảm bớt, trong khi quyền hạn của quốc hội được tăng cường.
Qua theo dõi, tôi thấy nhiều nhà phân tích Nga đánh giá rằng Tổng thống Putin đề xuất sửa đổi Hiến pháp hiện nay để tới đây tổng thống tương lai không có điều kiện và không cần thiết sửa đổi Hiến pháp nữa. Nói cách khác đây là một sự chuẩn bị cho thời kỳ ông Putin thôi làm Tổng thống. Đây là điểm theo tôi rất có lý và rất đáng chú ý.
- Ông Medvedev dự kiến được bổ nhiệm vào vị trí mới là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh. Chức vụ này có vai trò như thế nào, thưa ông?
- Hội đồng An ninh Nga là cơ quan hiến định, được ghi trong Hiến pháp. Hội đồng An ninh có một số thành viên thường trực là Thủ tướng, Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện), Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, Thư ký Hội đồng An ninh... Hội đồng An ninh Nga có nhiều quyền hạn, là nơi soạn thảo các chiến lược hệ trọng của Nga về an ninh, quốc phòng, thông tin, năng lượng... để Tổng thống Nga ký ban hành.
Theo Hiến pháp, Tổng thống luôn luôn là Chủ tịch Hội đồng An ninh. Bộ máy nhân sự của Hội đồng An ninh thuộc Phủ Tổng thống Nga. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh là vị trí mới mà ông Medvedev sẽ đảm nhận. Như vậy, nguyên Tổng thống và nguyên Thủ tướng Dmitry Medvedev lại sát cánh cùng ông Putin là bộ đôi quyền lực ở Nga. Dư luận Nga trong câu chuyện người kế nhiệm ông Putin sau năm 2024 hiện vẫn chưa rõ, nhưng nhiều người coi ông Medvedev là một ứng viên tiềm năng.
- Tổng thống Putin đã đề cử ông Mikhail Mishustin thay Thủ tướng Medvedev. Ông nhận định thế nào về cách bố trí nhân sự của Tổng thống Putin?
- Người được Tổng thống Putin đề xuất thay Thủ tướng Medvedev là người thuộc thế hệ khá mới. Ông Mishustin là người đứng đầu Cơ quan Thuế Liên bang, làm việc trong các cơ quan chính phủ Nga từ năm 1998. Là một người rất giỏi về kinh tế số, công nghệ, kỹ thuật, ông Mishustin đã biến ngành thuế của Nga từ thô sơ thành ngành sử dụng công nghệ kỹ thuật số tuyệt vời. Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Putin lựa chọn một quan chức hoạt động trong ngành thuế lên làm Thủ tướng.
- Vậy, ông nhận định thế nào về chính trường Nga trong thời gian tới?
- Tôi cho rằng, chính trường Nga thời gian tới vẫn ổn định. Trong năm nay tổ công tác mà Tổng thống chỉ định về sửa đổi Hiến pháp gồm 75 thành viên sẽ bắt tay vào làm việc, sau đó đề xuất với Quốc hội xem xét theo tiến trình, có thể để toàn dân thảo luận, và thông qua sửa đổi Hiến pháp. Những sửa đổi đó nhằm bảo đảm theo ý tưởng hiện nay là cán cân quyền lực ở Nga chặt chẽ hơn, chính phủ gia tăng quyền hạn về kinh tế, lãnh đạo địa phương có thêm nhiều quyền hạn. Có lẽ xã hội Nga tiếp tục ổn định với mục tiêu mà ông Putin nêu ra trong thông điệp liên bang là nâng cao mức sống của người dân Nga bằng những chính sách xã hội.
- Xin cảm ơn ông!