Giới phân tích nhận định rằng, trong cuộc đọ sức ngoại giao này, Nga muốn là hiện thân của tiếng nói biết lý lẽ và dung hòa, một cách để thể hiện sự khác biệt với Tổng thống Donald Trump đang tuôn ồ ạt các phát biểu trên mạng xã hội Twitter. Phát ngôn viên điện Kremlin ngày 11.4 tuyên bố: "Chúng tôi không tham gia vào ngoại giao Twitter. Chúng tôi chủ trương một cách tiếp cận nghiêm túc".
Vụ tấn công vũ khí hóa học mà chính quyền Syria bị nghi là thủ phạm nhắm vào thường dân ở Đông Ghouta đã làm dấy lên các phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Pháp và Mỹ dọa sẽ có hành động trả đũa thích đáng. Tuy nhiên, Nga, đồng minh lâu đời của Syria, lên tiếng cảnh báo là có những "lằn ranh đỏ" mà Mỹ và các đồng minh không nên vượt qua.
Đương nhiên, mục tiêu tấn công mà phương Tây, đứng đầu là Mỹ, nhắm đến chính là chế độ Bashar al-Assad - RFI dẫn nhận định của chuyên gia Igor Delanoe, phó giám đốc Đài quan sát Nga – Pháp tại Mátxcơva với nhật báo L’Orient-Le Jour.
Thế nhưng, giới quan sát quan ngại rằng một chiến dịch tấn công của phương Tây vào Syria rất có thể gây ra một cuộc leo thang quân sự vượt ngoài khuôn khổ Syria. Điện Kremlin lo ngại là những lợi ích của Nga, cũng như sinh mạng của các công dân Nga tại Syria, sẽ bị tác động, nếu phương Tây quyết định mở cuộc tấn công quy mô lớn trừng phạt Syria.
Trong khi Mỹ và các nước đồng minh vẫn chưa thống nhất phương cách tấn công, một câu hỏi khác cũng đang được đặt ra. Liệu có nên báo trước với Nga hay không như đã từng làm vào năm 2017, trước khi Mỹ dội mưa tên lửa vào căn cứ al-Shayrat nhằm đáp trả vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của Damas tại Khan Shaykhun?
Báo trước với Nga thì chẳng khác gì tạo cơ hội cho chính quyền Damascus và quân Iran kịp thời ẩn nấp. Còn nếu không báo trước, phương Tây có nguy cơ gánh lấy rủi ro sát hại binh sĩ Nga. Và như vậy, theo ông Igor Delanoe, Mátxcơva sẽ có hành động đáp trả, nhưng với mức độ nào thì chưa thể biết rõ.
Nga và phương Tây hiểu được thách thức đặt ra vượt quá khuôn khổ Syria, và đang tìm cách tránh leo thang quân sự. Trong tình thế này, Nga một mặt cảnh báo phương Tây về những hậu quả có thể có cho cả đôi bên, mặt khác lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế.
Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, ông hy vọng tất cả các bên "tránh mọi hành động mà trên thực tế không có gì có thể biện minh được".
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng với cùng một giọng điệu, tuyên bố: "Tình hình trên thế giới ngày càng trở nên hỗn loạn. Do vậy, chúng tôi hy vọng là lương tri cuối cùng sẽ chiến thắng và rằng các mối quan hệ quốc tế sẽ đi theo con đường mang tính xây dựng".