Cặp vợ chồng người Đức đứng sau vaccine Pfizer-BioNTech, một trong những loại vaccine COVID-19 hiệu quả nhất, cho biết vaccine ung thư có thể được cung cấp cho bệnh nhân vào năm 2030.
Các giáo sư Ugur Sahin và Ozlem Tureci nói với BBC rằng họ “cảm thấy rằng việc chữa khỏi bệnh ung thư hoặc thay đổi cuộc sống của bệnh nhân ung thư đang nằm trong tầm tay của chúng tôi”. Hai vợ chồng đồng sáng lập công ty công nghệ sinh học BioNTech ở Mainz, Đức vào năm 2008.
Nhận xét về thời gian khả thi, ông Ugur Sahin - giáo sư chuyên khoa ung thư và miễn dịch học, CEO BioNTech - cho biết vaccine ung thư có thể được cung cấp trên toàn cầu “trước năm 2030”.
Tuy nhiên, hai giáo sư cũng tỏ ra thận trọng hơn. Bà Tureci nói: “Là các nhà khoa học, chúng tôi luôn do dự khi nói chúng tôi sẽ có phương pháp chữa khỏi bệnh ung thư" mặc dù bà ám chỉ rằng công ty của họ đã có “một số bước đột phá”.
Theo các nhà khoa học, một trong những hậu quả của đại dịch là nó có thể đã thúc đẩy việc phát minh ra vaccine ung thư. Bà Tureci lưu ý, trong khi những thành tựu của BioNTech trong lĩnh vực phát triển vaccine ung thư là “ngọn gió để phát triển vaccine COVID-19”, thì giờ đây nó lại hoạt động theo chiều ngược lại.
“Và bây giờ vaccine COVID-19 và kinh nghiệm của chúng tôi trong việc phát triển vaccine này đã giúp ích cho công việc điều trị ung thư của chúng tôi” - bà nói thêm.
Bác sĩ tiếp tục cho biết, các nhà khoa học đã “học cách sản xuất vaccine tốt hơn, nhanh hơn” và hiểu sâu hơn về cách hệ thống miễn dịch phản ứng với mRNA.
Không giống như vaccine thông thường - được sản xuất với sự hỗ trợ của các dạng virus yếu hơn - công nghệ mRNA chỉ sử dụng mã di truyền của virus. Khi mRNA xâm nhập vào cơ thể, nó cũng đi vào các tế bào và ra lệnh cho chúng tạo ra các kháng nguyên có liên quan.
Về cơ bản, mRNA là bản thiết kế cho áp phích "truy nã kẻ thù” - bà Tureci giải thích, đồng thời cho biết thêm rằng các chiến thuật như vậy giúp huấn luyện cơ thể tìm ra tế bào ung thư và tấn công chúng.
Pfizer-BioNTech là vaccine COVID-19 đầu tiên được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt. Vào thời điểm đó, vaccine Pfizer-BioNTech cho thấy hiệu quả 91% và kể từ đó đã được chứng minh có khả năng giảm số ca nhập viện và tử vong do virus.