Ông kỳ vọng gì vào chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
- Chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản vào mùa xuân năm nay là biểu trưng cho sự sâu sắc trong quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt mà cả đất nước Việt Nam đã dành cho Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản.
Tiếp nối chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào tháng 1 năm nay, chuyến thăm Nhật Bản lần thứ hai của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là cơ hội tuyệt vời để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ vô cùng tốt đẹp giữa Nhật Bản và Việt Nam. Việc lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì một cách sôi nổi các chuyến thăm qua lại lẫn nhau chính bởi hai nước được gắn kết bằng một mối quan hệ tin cậy bền chặt.
Năm tới là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản - Việt Nam. Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai bên sẽ trao đổi thẳng thắn để giải quyết các vấn đề còn tồn tại, đồng thời khẳng định quyết tâm tăng cường hơn nữa sự hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Theo ông, những thành quả nào ấn tượng nhất trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong những năm qua?
- Tháng 3.2014, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được nâng cấp thành “Quan hệ đối tác chiến lược, sâu rộng”. Hợp tác và giao lưu giữa hai nước đã và đang phát triển trên mọi lĩnh vực như chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, thể thao. Đặc biệt, giao lưu con người được mở rộng một cách rõ rệt. Tại thời điểm cuối năm ngoái, số lượng tu nghiệp sinh học tập tại Nhật Bản là khoảng 88.000 người, đứng đầu trong các nước có tu nghiệp sinh đến Nhật Bản. Số lượng lưu học sinh Việt Nam là khoảng 62.000 người, đứng vị trí thứ hai. Sự đi lại của khách du lịch hai nước cũng diễn ra sôi nổi. Tôi rất vui mừng vì nhiều người Việt Nam có mối quan tâm sâu sắc đối với những nét hấp dẫn như kỹ thuật, văn hóa của Nhật Bản. Tôi hy vọng hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân lực chất lượng cao một cách phù hợp.
Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản giúp cải thiện môi trường đầu tư như thế nào, thưa ông?
- Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam hiện tại đã tăng từ khoảng 400 doanh nghiệp vào năm 2003 lên hơn 1.600 doanh nghiệp, chỉ đứng sau Thái Lan trong các nước ASEAN. Tôi cho rằng, sự gia tăng này là thành quả của việc chính phủ Việt Nam đã tích cực nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư dưới chính sách Đổi mới, bên cạnh sức hấp dẫn của Việt Nam như vị trí địa lý thuận lợi ở cửa ngõ của khu vực Mê Kông, cùng nguồn lao động dồi dào, ưu tú, giá rẻ.
Trong quá trình này, tôi có thể tự hào nói rằng “Sáng kiến chung Việt-Nhật” được bắt đầu từ năm 2003 dưới sự hợp tác của hai nước đã đóng góp một vai trò to lớn. “Sáng kiến chung Việt-Nhật” là sự hợp tác của Chính phủ cũng như giới doanh nghiệp Nhật Bản và chính phủ Việt Nam, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư một cách vững chắc dựa trên kế hoạch hành động. Hiện tại, “Sáng kiến chung Việt-Nhật” đang được thực hiện ở giai đoạn 6. Đối với Nhật Bản, đây là một cơ chế mang tính cách mạng.
Trong chuyến thăm Nhật Bản lần này, tôi kỳ vọng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa tại Hội nghị Quốc tế về “Tương lai Châu Á” và Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản cũng muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam thông qua những cơ chế như “Sáng kiến chung Việt - Nhật”, hỗ trợ chiến lược công nghiệp hóa và cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Ngoài ra, cả chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản muốn tiếp tục giúp đỡ nền kinh tế Việt Nam phát triển hơn nữa với trung tâm là việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng chất lượng cao.
- Xin cảm ơn ông!