Trong một tuyên bố đưa ra ở Philippines, Sanofi đã giải thích “những phát hiện mới” này, nhưng khẳng định rằng, đánh giá an toàn lâu dài của vaccine cho thấy, các ca nhập viện do sốt xuất huyết ở những trẻ trên 9 tuổi đã tiêm phòng ít hơn đáng kể so với những trẻ chưa tiêm phòng. Gần 734.000 trẻ từ 9 tuổi trở lên ở Philippines đã được tiêm một liều vaccine phòng sốt xuất huyết trong chương trình tiêm phòng trị giá gần 70 triệu USD.
Bộ Tư pháp Philippines yêu cầu Cục Điều tra Quốc gia xem xét “nguy cơ bị đối với sức khỏe cộng đồng, và nếu các bằng chứng có cơ sở thì phải đưa ra những cáo buộc thích hợp”. Không có dấu hiệu nào cho thấy, giới chức y tế Philippines biết về bất kỳ nguy cơ nào khi tổ chức tiêm phòng.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới WHO hồi tháng 6.2016 cho biết, “việc chủng ngừa có thể không hiệu quả, thậm chí làm tăng nguy cơ bệnh nặng hơn ở những người có phản ứng âm tính ở thời điểm lần đầu tiêm phòng, bất kể ở độ tuổi nào”. Theo Sanofi ở Manila, 19 giấy phép đã được cấp cho vaccine Dengvaxia, và vaccine được lưu hành ở 11 quốc gia, trong đó chỉ có Philippines và Brazil có chương trình tiêm chủng quốc gia quản lý vaccine này.
Hôm 3.12, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố, chính phủ sẽ yêu cầu những người có trách nhiệm phải giải trình về chương trình tiêm chủng gây nguy cơ cho hàng trăm nghìn trẻ. Song, người phát ngôn cũng khẳng định, chưa có “trường hợp sốt xuất huyết nghiêm trọng” nào được báo cáo, vì vaccine được quản lý chặt chẽ. Ông cũng kêu gọi công luận không “lan truyền thông tin có thể gây lo sợ thái quá”.
Tuy nhiên, một tổ chức phi chính phủ ở Philippines cho biết, đã nhận được thông tin 3 trẻ được tiêm phòng vaccine Dengvaxia hồi tháng 4.2016 đã tử vong, trong khi Sanofi khẳng định điều ngược lại. “Theo như chúng tôi biết thì không có báo cáo tử vong nào do tiêm chủng vaccine sốt xuất huyết” - Reuters dẫn lời bà Ruby Dizon, giám đốc y tế Sanofi Pasteur Philippines phát biểu tại cuộc họp báo ở Manila.
Mặc dù Dengvaxia của Sanofi là vaccine đầu tiên được chấp thuận để phòng sốt xuất huyết, song các nhà khoa học đã nhận ra rằng, nó không hoàn hảo và không có khả năng phòng bệnh như nhau với 4 chủng khác nhau của virus sốt xuất huyết trong các thử nghiệm lâm sàng. Một phân tích mới cho thấy, Dengvaxia có tác dụng tốt với những người đã từng bị sốt xuất huyết. Với những người chưa bị, nhiều trường hợp bệnh có thể nặng hơn nếu bị mắc sau khi tiêm vaccine.