Theo Daily Mail, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Durham (Anh) là những người tạo ra bản đồ 3D tuyệt vời này với một siêu máy tính. Mô phỏng được thiết kế để phản ánh các hệ quả trong thế giới thực của các quy luật vật lý tác động lên vật chất tối và khí vũ trụ trong 13,7 tỉ năm kể từ Vụ nổ Lớn.
Tác giả chính Carlos Frenk nói rằng nó sẽ cho phép các nhà thiên văn khám phá khu vực vũ trụ của chúng ta dễ dàng như họ có thể khám phá hành tinh Trái đất.
Nhóm nghiên cứu cho biết, mô phỏng gần giống với mô hình tiêu chuẩn của vũ trụ, đến mức nó bổ sung thêm bằng chứng cho thấy "vật chất tối lạnh" (CDM) tồn tại.
CDM là một vật chất tối giả định, được cho là "chất keo hấp dẫn vô hình" giữ các thiên hà lại với nhau mà không phản xạ hay hấp thụ ánh sáng.
Giáo sư Frenk cho hay: "Thực tế là chúng tôi đã có thể tái tạo những cấu trúc quen thuộc này, cung cấp hỗ trợ ấn tượng cho mô hình Vật chất Tối lạnh tiêu chuẩn. Nó cho chúng ta biết rằng chúng ta đang đi đúng hướng để hiểu được sự tiến hóa của toàn bộ vũ trụ kể từ Vụ nổ Lớn cho đến ngày nay".
Stuart McAlpine từ Đại học Helsinki (Phần Lan) cho biết, việc mô phỏng vũ trụ của chúng ta như những gì chúng ta thấy sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản chất của vũ trụ. Dự án này cung cấp một cầu nối quan trọng giữa lý thuyết của nhiều thập kỷ qua và các quan sát thiên văn.
Ở trung tâm là các bản sao ảo của Dải Ngân hà và "người hàng xóm" khổng lồ của chúng ta Andromeda - một ngày nào đó sẽ hợp nhất với thiên hà của chúng ta.
Tiến sĩ Matthieu Schaller từ Đại học Leiden (Hà Lan), cũng tham gia vào dự án này, nói thêm: "Dự án này thực sự mang tính đột phá. Nó cung cấp một cột mốc quan trọng trong nhiệm vụ của chúng tôi, để thách thức mô hình hiện đang được thiết lập về sự tiến hóa của vũ trụ của chúng ta.
Những mô phỏng này chứng minh mô hình Vật chất Tối Lạnh tiêu chuẩn có thể tạo ra tất cả các thiên hà mà chúng ta thấy trong vùng lân cận".