Các tổ chức tài chính quốc tế tăng gói hỗ trợ
Ngày 17.3, thông cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, hội đồng quản trị WB và Tổ chức tài chính Quốc tế IFC - thành viên của WB - vừa phê duyệt gói hỗ trợ nhanh trị giá 14 tỉ USD để giúp các doanh nghiệp và các quốc gia trong nỗ lực ngăn chặn, ứng phó và kiểm soát với sự lây lan nhanh chóng của COVID-19.
Ông David Malpass - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới - cho biết: “Điều quan trọng là chúng ta rút ngắn được thời gian phục hồi. Gói tài trợ này cung cấp hỗ trợ khẩn cho các doanh nghiệp và người lao động để giảm thiểu các tác động kinh tế và tài chính của dịch COVID-19”.
Gói hỗ trợ nhằm tăng cường các hệ thống ứng phó y tế công, trong đó có kiểm soát dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị và hỗ trợ khu vực tư nhân. Như vậy, có 2 tỉ USD được bổ sung vào gói tài trợ ban đầu được thông báo vào ngày 3.3 của WB và IFC trị giá 12 tỉ USD.
Theo thông cáo ngày 18.3 trên website, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố gói hỗ trợ ban đầu trị giá 6,5 tỉ USD để đáp ứng nhu cầu trước mắt các quốc gia thành viên đang phát triển ứng phó đại dịch COVID-19. Nhận định, đại dịch này đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng đòi hỏi hành động mạnh mẽ ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu, Chủ tịch ADB Masatsugu Asakawa cho biết: “Dựa trên đối thoại chặt chẽ với các thành viên và các tổ chức ngang hàng, chúng tôi đang triển khai gói cứu trợ 6,5 tỉ USD này để đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các thành viên”.
Trong gói hỗ trợ ban đầu, theo ADB, sẽ có xấp xỉ 3,6 tỉ USD hỗ trợ cho loạt các biện pháp ứng phó trước hậu quả về y tế và kinh tế của đại dịch. Ngoài ra, 1,6 tỉ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thương mại trong nước và khu vực cũng như các doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19.
Thêm vào đó, ADB cũng sẽ huy động khoảng 1 tỉ USD nguồn vốn ưu đãi thông qua tái phân bổ từ các dự án đang triển khai và đánh giá khả năng cần thiết sử dụng các nguồn dự phòng. Chưa dừng lại ở đó, ADB còn cung cấp 40 triệu USD hỗ trợ kỹ thuật và giải ngân nhanh.
Mỹ và Châu Âu hành động quyết liệt
Ngày 19.3, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) công bố những biện pháp khẩn cấp ứng phó với đại dịch COVID-19, trong đó có thu mua trái phiếu trị giá lên tới 750 tỉ euro. Bà Christine Lagarde - Chủ tịch ECB - cho biết: “Những thời khắc đặc biệt đòi hỏi những hành động phi thường. Không có giới hạn nào cho cam kết của chúng tôi với đồng euro. Chúng tôi quyết tâm sử dụng toàn bộ tiềm năng của các công cụ của mình, trong phạm vi quyền hạn của mình”.
Ngân hàng cho biết, các biện pháp nhằm ngăn chặn bất ổn kinh tế sẽ tiếp tục được áp dụng qua “giai đoạn khủng hoảng” do dịch bệnh. Với việc các doanh nghiệp đóng cửa trên khắp Châu Âu và các hộ gia đình lo sợ về sự suy thoái kéo dài, chương trình thu mua trái phiếu nhằm giảm chi phí vay và xoa dịu thị trường đầy biến động, Washington Post cho hay.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump và các lãnh đạo quốc hội Mỹ cũng đang lên kế hoạch gói kích thích kinh tế trị giá 1.000 tỉ USD, trong đó có hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và các hãng hàng không. Kế hoạch giải cứu trị giá 1.000 tỉ USD gồm 2 khoản lớn cho người dân Mỹ và dành 300 tỉ USD để giúp các doanh nghiệp nhỏ tránh sa thải hàng loạt. Washington Post lưu ý, gói kích thích kinh tế mà chính phủ ông Donald Trump vừa đề xuất là chưa từng có về quy mô và tốc độ, vượt quá luật kích thích 800 tỉ USD được thông qua dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama và chương trình trợ cấp các tài sản xấu trị giá 700 tỉ USD được thông qua thời chính quyền ông George W. Bush.
Tại Châu Âu, Anh cũng tuyên bố tung gói cứu trợ trị giá 420 tỉ USD để hỗ trợ doanh nghiệp. Tây Ban Nha cũng công bố gói kích thích trị giá 220 tỉ USD. Một số quốc gia ở các khu vực khác trong đó có Canada, New Zealand, Bahrain... cũng công bố các gói kích thích kinh tế ứng phó với tác động của COVID-19.