Phát biểu tại một hội nghị an ninh ngày 8.1, Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra những yêu cầu bất khả thi đối với nước này như những điều kiện tiên quyết để gia nhập NATO.
Thổ Nhĩ Kỳ “xác nhận rằng chúng tôi đã làm những gì chúng tôi cam kết sẽ làm, nhưng cũng nói họ muốn những thứ mà chúng tôi không thể và không muốn làm” - RT dẫn lời Thủ tướng Kristersson nói. Tuy nhiên, ông dự đoán Ankara sẽ “đưa ra quyết định và chỉ không biết khi nào” - kết quả phụ thuộc cả vào chính trị nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ và “khả năng thể hiện sự nghiêm túc của Thụy Điển”.
Là một trong hai thành viên duy nhất chưa chấp thuận việc Thụy Điển gia nhập NATO, Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức hủy bỏ phản đối trong một thỏa thuận được công bố vào tháng 6, tuyên bố vào thời điểm đó rằng họ đã “có được những gì mình muốn”, bao gồm cả “sự hợp tác đầy đủ… trong cuộc chiến chống” chủ nghĩa khủng bố, từ cả Thụy Điển và Phần Lan.
Lý do Thổ Nhĩ Kỳ phản đối là sự ủng hộ của Thụy Điển và Phần Lan đối với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức bị Ankara coi là khủng bố.
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau khi Tòa án Tối cao Thụy Điển ngăn chặn việc dẫn độ cựu biên tập viên tờ báo Bulent Kenes vào tháng trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã chỉ trích Stockholm vì điều mà ông mô tả là thiếu “tiến triển cụ thể liên quan đến việc dẫn độ tội phạm khủng bố và đóng băng tài sản”.
Khi từ chối dẫn độ Kenes, tòa án lập luận, một số tội của nhà báo này không bị pháp luật ở Thụy Điển trừng phạt và cho rằng anh ta sẽ bị đàn áp chính trị nếu bị trục xuất về nước. Kenes được tị nạn chính trị ở Thụy Điển vào năm 2016 sau cuộc đảo chính thất bại chống lại Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Ankara cáo buộc Kenes biết trước về âm mưu đảo chính và là thành viên của một tổ chức khủng bố.
Người dân Thụy Điển kêu gọi chính phủ Stockholm giữ vững lập trường độc lập tư pháp ngay cả khi điều đó sẽ trì hoãn việc gia nhập NATO. Một cuộc thăm dò được tiến hành vào đầu tháng này cho thấy 79% số người được hỏi muốn Stockholm “bảo vệ luật pháp Thụy Điển” trước các yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chỉ 10% cho rằng nước này nên ưu tiên gia nhập khối càng sớm càng tốt.
Những rắc rối của Thụy Điển cũng có thể làm trì hoãn việc gia nhập NATO của nước đồng minh, vì Phần Lan không muốn tiếp tục từ bỏ tính trung lập lâu đời của mình mà không có nước láng giềng. Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto phát biểu với báo giới hôm 8.1: “Phần Lan không vội vàng gia nhập NATO đến mức chúng tôi không thể đợi cho đến khi Thụy Điển bật đèn xanh”.