Qatar đã kí thỏa thuận cung cấp khí đốt trong 27 năm với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) - thỏa thuận cung cấp khí đốt lớn thứ hai của quốc gia vùng Vịnh với một công ty nhà nước Trung Quốc trong vòng chưa đầy một năm.
Tờ Al Jazeera đưa tin, QatarEnergy và CNPC đã kí thỏa thuận hôm 20.6, theo đó Trung Quốc sẽ mua 4 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng năm từ quốc gia Arab vùng Vịnh.
CNPC cũng sẽ nắm giữ cổ phần Dự án mỏ North East mở rộng tại thủ đô Doha của Qatar.
Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad al-Kaabi kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn QatarEnergy cho biết: “Hôm nay chúng tôi kí kết hai thỏa thuận nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ bền chặt của chúng tôi với một trong những thị trường khí đốt quan trọng nhất trên thế giới và thị trường trọng điểm cho các sản phẩm năng lượng của Qatar”.
Trước đó, tháng 11.2022, QatarEnergy đã kí một thỏa thuận tương tự với Sinopec của Trung Quốc, cung cấp 4 triệu tấn LNG mỗi năm trong 27 năm.
Châu Á, với mong muốn có được các thỏa thuận mua bán dài hạn, cho đến nay đã đi đầu trong việc đảm bảo khí đốt từ dự án mở rộng sản xuất quy mô lớn của Qatar.
Thỏa thuận hôm 20.6 là thỏa thuận thứ ba của QatarEnergy cung cấp LNG từ Dự án mỏ North East mở rộng cho một người mua châu Á.
Qatar là nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới và sự cạnh tranh đối với LNG đã tăng lên kể từ khi bắt đầu xung đột Nga - Ukraina. Châu Âu có nhu cầu LNG lớn để thay thế khí đốt Nga qua đường ống, từng chiếm gần 40% nhập khẩu của lục địa.
QatarEnergy trước đây cho biết có thể trao tới 5% cổ phần trong Dự án mỏ North East mở rộng cho “đối tác giá trị gia tăng”, theo cách gọi của Bộ trưởng al-Kaabi.
Vào tháng 4, Sinopec của Trung Quốc đã trở thành công ty năng lượng châu Á đầu tiên trở thành đối tác “giá trị gia tăng” trong dự án.
QatarEnergy cũng đã kí kết quan hệ đối tác cổ phần trong dự án với các công ty dầu khí quốc tế, nhưng cho biết có kế hoạch giữ lại 75% cổ phần trong Dự án mỏ North East mở rộng, vốn sẽ tiêu tốn ít nhất 30 tỉ USD, bao gồm cả việc xây dựng các cơ sở xuất khẩu hóa lỏng.
Khi mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ và Australia - hai đối thủ xuất khẩu LNG lớn nhất của Qatar - trở nên căng thẳng, các công ty năng lượng quốc gia Trung Quốc ngày càng coi Qatar là mục tiêu an toàn hơn để đầu tư.