Đôi chân Hùng Dũng, cái đầu Hoàng Thịnh và chuyện đạo đức nghề nghiệp

TAM NGUYÊN |

Một hành vi, một thẻ đỏ, 2 cái xương gãy và 2 con người, chuyện của Hùng Dũng, Hoàng Thịnh lại là tiếng chuông gióng lên sự nhắc nhở về đạo đức nghề nghiệp.

Ám ảnh. Đó thực sự là cảm giác xuất hiện khi nhìn vào bức ảnh chộp đúng khoảnh khắc ở phút thứ 28 trận đấu trên sân Thống Nhất tối 23.3. Trong thời khắc cái chân phải bị bẻ cong ấy, mọi giá trị ở trạng thái bình thường nhất cũng bị xô lệch.

Khi hậu quả của sự tác động đó là gãy cả xương chày lẫn xương mác, nó tạo thành vết cắt để mọi trạng thái cảm xúc chen nhau lọt qua, tạo thành một lực nén khủng khiếp. Và bùng nổ trong cơn thịnh nộ có thể nhấn chìm bất kỳ điều gì, hủy hoại bất kỳ ai.

Như bất kỳ ngành, nghề nào khác với công cụ lao động đặc trưng, đôi chân là công cụ chính cho nghề nghiệp của các cầu thủ. Vinh quang hay thất bại thì cũng từ đôi chân ấy mà ra. Nhưng ở một chiều không gian khác, đôi chân đó cũng có thể trở thành nguồn cơn cho một câu chuyện mang tính xã hội rộng lớn, với gốc rễ là văn hóa và đạo đức.

Bóng đá nằm trong nhiều môn thể thao đối kháng và mặc dù tính chất của sự đối kháng này mang ý nghĩa gián tiếp thì các cầu thủ đều hiểu rằng, nguy cơ luôn ở quanh họ và có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Vấn đề phải được đặt trong bối cảnh, hành vi, hiện tượng và bản chất.

Khi chưa thể có được hết mọi góc độ nhìn nhận, sự phán xét sẽ là vội vàng, dù về mặt hiện tượng, hành vi đó đủ mức độ để lên án.

“Bóng đá không dành cho những kẻ yếu đuối”, và vì thế, đôi chân – chứ không phải một cơ thể lực lưỡng, là đại diện cho sự mạnh mẽ đó. Nhưng đôi chân, hay bất kỳ bộ phận nào, luôn được điều khiển bởi cái đầu.

Hoàng Thịnh nghĩ gì khi thực hiện pha bóng đó? Cầu thủ của câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh có nhận ra đích đến của đôi chân mình là Hùng Dũng? Tiền vệ 28 tuổi có phải là mẫu cầu thủ bạo lực bên trong sự nhiệt huyết vốn có của người xứ Nghệ?...

Với quá nhiều câu hỏi đặt ra và rất nhiều thứ liên quan khác, người ta có thể dùng thuyết âm mưu để nghĩ về câu chuyện nào đó xa hơn, rộng hơn. Nhưng trong môi trường bóng đá, dù là đỉnh cao hay chỉ là sân chơi “phủi”, cá tính của mỗi người được thể hiện rõ nhất khi đứng trên sân, được bao quanh bởi những cá tính khác, đối mặt với vô vàn áp lực.

Có những “cái đầu lạnh” – thực sự lạnh, giúp cầu thủ vượt qua sức ép đó để được khẳng định là bản lĩnh. Nhưng “lạnh”, ở đây, cũng có nghĩa là lý trí của họ không cho phép thực hiện bất kỳ hành vi nào vượt quá đạo đức.

Bởi vì cơ bản, dù mạnh mẽ đến đâu, thể thao vẫn phải giữ hồn cốt là “tinh thần cao thượng”.

Liệu có thể phán xét về đạo đức của Zinedine Zidane sau cú húc đầu vào ngực Marco Materazzi ở trận chung kết World Cup 2006? Liệu có thể gọi Roy Keane là “tiểu nhân” với cú đạp vào đầu gối Alf-Inge Haaland năm 2001, chỉ vì 4 năm trước, cầu thủ này đứng trước mặt và chế nhạo ông về việc giả vờ chấn thương trong khi ông thực sự bị đứt dây chằng? Hay khi Pepe chơi một trận tuyệt hay trước Juventus mới đây, có ai nói về vấn đề đạo đức khi nhớ lại “khoảnh khắc điên dại” năm 2009, với cú sút vào lưng Francisco Casquero khi cầu thủ này đã nằm sân?

Còn rất nhiều pha bóng bạo lực khác trên thế giới, và cả ở V-League nữa, gây bức xúc để mọi người dễ dàng nói về chuyện đạo đức. Nhưng cho dù là vấn đề của sự việc nóng nhất từ tối 23.3 nói riêng hay những vụ bạo lực thể thao nói chung, cũng cần phân biệt giữa “đạo đức con người” và “đạo đức nghề nghiệp”.

Các cầu thủ bóng đá có thể không rơi vào trường hợp đòi hỏi chứng chỉ hay chức danh nghề nghiệp như một số ngành, nghề khác, nhưng “đạo đức nghề nghiệp” là như nhau. Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) có Quy định về đạo đức nghề nghiệp, trong đó nhấn mạnh việc “bảo vệ hình ảnh của bóng đá, và đặc biệt là hình ảnh của FIFA, khỏi sự xâm hại của các hiện tượng và biện pháp phi đạo đức và trái đạo lý”.

Khi tiếng chuông cảnh tỉnh cứ thỉnh thoảng lại vang lên, lại những cái giật mình xuất hiện để rồi, vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp chưa bao giờ là muộn!

TAM NGUYÊN
TIN LIÊN QUAN

Hùng Dũng gãy cả xương chày lẫn xương mác: V.League hay Võ League

Anh Đào |

Xem lại qua quay chậm tình huống, nhìn phim chụp ống chân Hùng Dũng, gãy cả xương chày lẫn xương mác, một điều có thể chắc chắn: Đó là một cú song phi knock-out trong võ thuật chứ không phải bóng đá.

Án phạt nào cho Hoàng Thịnh sau khi khiến Hùng Dũng gãy chân?

AN NGUYÊN |

Hoàng Thịnh có thể bị treo giò từ 1-2 năm và phải đền bù các chi phí điều trị chấn thương cho Hùng Dũng sau pha vào bóng thô bạo.

Tôi không tin Hoàng Thịnh cố tình đá gãy chân Hùng Dũng

Song An |

Tôi lạnh người khi xem pha vào bóng của Hoàng Thịnh khiến đôi chân Hùng Dũng gần như gãy đôi. Nhưng tôi cũng tin rằng đó không phải là pha bóng mà Hoàng Thịnh cố tình triệt hạ đồng nghiệp của mình.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.

Công an xuất hiện tại công ty trúng nhiều gói thầu

HOÀI THANH |

Lực lượng Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có mặt tại trụ sở Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tập đoàn Việt Anh.

NSND Thế Hiển đã tỉnh lại, nói chuyện được sau cơn nguy kịch

ĐÔNG DU |

Trao đổi với Báo Lao Động, nhà thơ Lê Minh Quốc - đồng nghiệp của NSND Thế Hiển - nói sức khỏe của NSND Thế Hiển đã tiến triển tốt hơn sau cơn nguy kịch.

Sắp đón đợt không khí lạnh đầu tiên, miền Bắc trở mưa

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh đầu mùa, miền Bắc sắp đón một đợt mưa; thời tiết mát mẻ, vùng núi có nơi chuyển lạnh.