Khi Tuyển Olympic Việt Nam chuẩn bị bước vào trận ra quân tại Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19, giới truyền thông và rất nhiều người khác đã gợi lại ký ức về kỳ ASIAD 18 ở Indonesia, nơi đội lần đầu tiên vào bán kết. Năm đó, cùng Huấn luyện viên Park Hang-seo, Olympic Việt Nam thi đấu ấn tượng, giữ sạch lưới cho đến tận trận bán kết và kết thúc Đại hội với vị trí thứ 4 chung cuộc.
Đó là một chiến tích lịch sử với bóng đá Việt Nam ở đấu trường này. Tuy vậy, trong chiến công của lứa Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Văn Thanh... năm đó, họ cũng cần có sự đồng hành của những người đàn anh là tiền đạo Anh Đức (khi đó 32 tuổi), tiền vệ Văn Quyết (27) và Hùng Dũng (24).
Cũng trong đội hình năm đó, duy nhất Văn Hậu (19) là cầu thủ dưới 20 tuổi…
Cho đến giờ, lứa cầu thủ này đã thành danh, khẳng định mình ở cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển quốc gia, nhường lại sân chơi trẻ cho thế hệ kế cận, những người sẽ gần như phải tự lập bước đi trên đôi chân của mình. Họ không chỉ trẻ mà còn rất trẻ khi bước ra sân chơi cấp độ châu lục.
Theo đó, không chỉ vì lịch trình trong tháng 9 bận rộn của bóng đá trẻ (sau vòng loại giải U23 châu Á là ASIAD), VFF cùng Huấn luyện viên Philippe Troussier đã có kế hoạch chuẩn bị nhân sự lâu dài, với chủ trương rõ ràng là trao cơ hội cho các cầu thủ trẻ một cách chủ động thay vì cần đến sự dìu dắt của các đàn anh. Đó là lựa chọn hướng đến tương lai.
Vì thế, đội Olympic dự ASIAD do Huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn chỉ có 1 nhân tố quá tuổi, lại là thủ môn - Đỗ Sĩ Huy 25 tuổi, nên được cho là không ảnh hưởng quá nhiều đến kế hoạch. Tiền đạo Mạnh Dũng (23) về cơ bản vẫn đúng độ tuổi. Trong khi đó, đội hình 22 cầu thủ thì có 10 người 20 tuổi, 3 người 19 tuổi và 3 người 18 tuổi.
Họ, trên nhiều khía cạnh, sẽ đối mặt với những khó khăn nhất định - như việc bước ra sân chơi lớn mà chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhưng cùng thầy Tuấn luôn biết cách làm tâm lý, việc tự mình giải quyết vấn đề sẽ giúp cầu thủ trẻ trưởng thành nhanh hơn, đẩy nhanh tiến độ nâng tầm của bóng đá Việt Nam.