Huấn luyện viên Vũ Tiến Thành của Sài Gòn đã bày tỏ quan điểm, VFF nên cử đội trẻ dự AFF Cup 2020, còn đội tuyển Việt Nam dồn toàn lực cho vòng loại World Cup 2022 khi đang dẫn đầu bảng G, có cơ hội lớn để đi tiếp vào vòng loại cuối cùng.
Chờ dấu mốc lịch sử
Tuyển Việt Nam chưa bao giờ vượt qua vòng loại thứ nhất World Cup trong 7 lần tham dự trước. Theo thống kê, đội đã thi đấu 37 trận, trong đó có 10 trận thắng, 3 trận hòa và 24 trận thua, ghi được 42 bàn thắng nhưng thủng lưới đến 75 lần.
Từ vòng loại World Cup 1994 đến 2018, tuyển Việt Nam luôn bị loại sớm. Nhưng vòng loại World Cup 2022, đội đang có cơ hội lớn để trở thành 1 trong 12 đội đi tiếp vào vòng loại thứ 3, tranh các vé trực tiếp đến World Cup 2022.
Phía trước thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo chỉ còn 3 trận đấu gặp Malaysia, Indonesia và UAE. Tuyển Việt Nam đều đã thắng cả 3 đội ở lượt đi. Vì thế, cơ hội để Công Phượng và đồng đội giành kết quả khả quan rất khả thi. Với kinh nghiệm của người từng nhiều năm làm trợ lý cho các huấn luyện viên tuyển Việt Nam, phát biểu của ông Vũ Tiến Thành rất đáng để VFF suy ngẫm.
Theo lộ trình đang xây dựng, VFF quyết tâm đưa bóng đá Việt Nam dự World Cup 2026. Khi đó, giải sẽ mở rộng lên thành 48 đội, Châu Á sẽ có 8,5 suất thay vì 4,5 suất như hiện tại. Về lý thuyết, cơ hội cho tuyển Việt Nam sẽ tăng lên, nhưng tương lai vốn dĩ không thể nói trước được điều gì.
Tốt nhất, VFF nên tập trung cho câu chuyện ở hiện tại, nơi tuyển Việt Nam cần được hỗ trợ tốt nhất. Việc không ôm đồm cả AFF Cup 2020, điều chỉnh lịch thi đấu V.League để các tuyển thủ có trạng thái tốt nhất khi lên tuyển… là điều nên được tính đến. Bởi sau khi hoàn thành 3 trận vòng loại thứ 2 trong tháng 10 và 11.2020, tuyển Việt Nam có thể đi tiếp với lịch thi đấu kéo dài trong hơn 1 năm, từ tháng 3.2021 đến tháng 3.2022.
Tiến đến vòng loại cuối cùng sẽ đánh dấu cột mốc lịch sử cho bóng đá Việt Nam, khẳng định bước chuyển mình thật sự, để tiệm cận trình độ với các quốc gia hàng đầu châu lục.
World Cup đáng để đánh đổi như thế nào?
Cần biết AFF Cup mang tên của đơn vị tài trợ, nằm ngoài hệ thống thi đấu của FIFA, nên các câu lạc bộ có quyền không nhả quân cho tuyển quốc gia. Tuyển Việt Nam đã vô địch 2 lần, các năm 2008 và 2018. Phần thưởng cho ngôi vô địch cách đây 2 năm là 300.000 USD (khoảng 7 tỉ đồng).
Còn World Cup được biết đến là giải đấu danh giá nhất thế giới, 4 năm chỉ tổ chức 1 lần. Trong lịch sử chỉ có 79 quốc gia được góp mặt sân chơi này. Đông Nam Á chưa có 1 đội tuyển chính thức nào vượt qua vòng loại World Cup (không tính Đông Ấn năm 1938 bởi khi đó họ là thuộc địa của Hà Lan).
Nếu góp mặt ở World Cup 2022, tuyển Việt Nam sẽ nhận được 2 triệu USD để chuẩn bị cho giải đấu. Đến khi chính thức góp mặt ở vòng bảng, đội sẽ nhận thêm 10 triệu USD. Chừng đó cho thấy uy tín, quy mô của World Cup đến như thế nào, để bóng đá Việt Nam bằng mọi giá phải góp mặt cho bằng được.
World Cup là sân chơi mà mọi cầu thủ đều ao ước được ít nhất một lần góp mặt. Với một nền bóng đá như Việt Nam, nó tạo tiền đề để tạo ra một cuộc thay đổi toàn diện theo hướng tích cực, khi các nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào hệ thống các giải quốc gia, đào tạo trẻ…