Ngày 26.2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết lính dù Nga và Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraina đang canh gác nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, đồng thời công bố một đoạn video cho thấy binh sĩ hai nước đang canh gác tại địa điểm từng xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong toàn bộ lịch sử ngành năng lượng hạt nhân thế giới.
Lực lượng Nga đã "đạt được thỏa thuận" với tiểu đoàn bảo vệ nhà máy điện hạt nhân của Vệ binh Quốc gia Ukraina - RT dẫn thông tin báo chí của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Binh sĩ của cả hai quốc gia hiện đảm bảo an ninh tại các đơn vị của nhà máy điện, các kho chứa nhiên liệu đã qua sử dụng và mái vòm bảo vệ được xây dựng để niêm phong lò phản ứng số 4 của nhà máy điện hạt nhân.
Đoạn video do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy khu vực xung quanh nhà máy Chernobyl và các binh sĩ cầm súng trường. Đoạn phim cũng cho thấy hai người đàn ông mặc quân phục, một người cầm cờ Ukraina trên tay, thảo luận về camera an ninh và máy dò chuyển động trong khu vực.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, các nhân viên nhà máy điện vẫn làm việc bình thường, và môi trường hạt nhân tại khu vực này vẫn an toàn. Đoạn video cũng cho thấy những người dường như là nhân viên nhà máy điện và quân nhân đang đo mức phóng xạ.
Trong đoạn video, người ta nghe thấy một người đàn ông có vẻ là quân nhân Nga nói rằng môi trường hạt nhân đang được giám sát 6 lần một ngày và tình hình vẫn trong tầm kiểm soát.
Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl là nơi xảy ra thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 1986, khi lò phản ứng số 4 gặp sự cố. Một cỗ "quan tài thép" khổng lồ, mất nhiều năm để xây dựng, giờ đây bao phủ cấu trúc đổ nát xung quanh lò phản ứng đã bị tê liệt nhưng sẽ vẫn còn phóng xạ trong nhiều năm tới.
Các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát khu vực nhà máy Chernobyl nằm ở phía bắc Ukraina, cách không xa biên giới với Belarus, vào ngày 24.2 sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Ngày 25.2, Cơ quan hạt nhân và Bộ Nội vụ Ukraina cho biết mức độ bức xạ đã tăng lên từ vị trí của nhà máy điện hạt nhân. Các chuyên gia được Reuters trích dẫn không rõ lý do tại sao nhưng cho rằng đó là do sự di chuyển của các thiết bị quân sự hạng nặng trong khu vực khiến bụi phóng xạ bay vào không khí.
Cùng ngày 25.2, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) xác nhận rằng hoạt động quân sự của Nga ở Ukraina không gây thiệt hại cho nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. “Thông tin mà chúng tôi nhận được là cơ sở hạ tầng hiện có của Chernobyl không bị hư hỏng và các nhiệm vụ vận hành và bảo trì thiết yếu đang được thực hiện” - EBRD cho biết trong một tuyên bố với Reuters.
EBRD - tổ chức tài chính quốc tế được thành lập để đầu tư vào các quốc gia xã hội chủ nghĩa đang chuyển đổi của khối Đông Âu vào đầu những năm 1990 - là đơn vị giám sát dự án xây dựng "quan tài thép" niêm phong lò phản ứng số 4 của Chernobyl.