Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky viết trên Twitter trước khi địa điểm của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị lực lượng Nga kiểm soát: "Những người bảo vệ của chúng tôi đang hy sinh tính mạng của họ để thảm kịch năm 1986 sẽ không lặp lại".
Theo Reuters, câu hỏi đặt ra là tại sao trong giao tranh Nga và Ukraina đều muốn giành quyền kiểm soát nhà máy điện hạt nhân không còn hoạt động, bao quanh đó là hàng kilomet đất đai nhiễm phóng xạ?
Câu trả lời là vị trí địa lý. Chernobyl nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev, thủ đô của Ukraina. Do đó, địa điểm này chạy dọc theo một tuyến tấn công hợp lý cho các lực lượng Nga tấn công Ukraina.
Khi chiếm Chernobyl, các nhà phân tích quân sự phương Tây cho rằng Nga đơn giản là đang chọn con đường nhanh nhất từ Belarus - một đồng minh của Nga và là nơi quân đội Nga tập trung để tới Kiev..
Ông James Acton, tổ chức nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, cho biết: “Đó là cách nhanh nhất từ A đến B".
Ông Jack Keane, cựu tham mưu trưởng quân đội Mỹ, nói rằng, Chernobyl "không có bất kỳ ý nghĩa quân sự nào" nhưng nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus đến Kiev.
Ông Keane gọi tuyến đường có Chernobyl là 1 trong 4 "trục" mà lực lượng Nga dùng để tiến công Ukraina. Còn lại là một vectơ thứ hai từ Belarus; hướng di chuyển về phía nam của Nga vào thành phố Kharkiv của Ukraina và di chuyển hướng bắc từ Crimea do Nga kiểm soát để đến thành phố Kherson của Ukraina. Với các hướng tiến quân này, đây có thể trở thành cuộc tấn công lớn nhất vào một quốc gia Châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Việc chiếm Chernobyl là một phần của kế hoạch. Một quan chức cấp cao của Ukraina cho biết địa điểm thảm họa này đã bị lực lượng Nga kiểm soát từ 24.2 dù một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết Mỹ không thể xác nhận thông tin này.
Lò phản ứng thứ tư tại Chernobyl, cách thủ đô Kiev của Ukraina 108km về phía bắc, đã phát nổ vào tháng 4.1986 trong một cuộc thử nghiệm an toàn bất thành. Chất phóng xạ strontium, cesium và plutonium ảnh hưởng đến Ukraina và các nước láng giềng Belarus, cũng như các khu vực của Nga và Châu Âu.
Ông Acton chỉ ra, 4 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động của Ukraine có nguy cơ lớn hơn Chernobyl, khi nằm trong “khu vực phải tránh xa” (Exclusion zone) - vùng phạm vi bán kính 30km tính từ tâm điểm là các lò phản ứng hạt nhân Chernoby. Khu vực phải tránh xa này có diện tích tương đương với Luxembourg.
"Rõ ràng một vụ tai nạn ở Chernobyl sẽ là vấn đề lớn. Nhưng chính bởi khu vực phải tránh xa đó, nó có thể sẽ không tác động nhiều đến dân thường Ukraina" - ông Acton nhấn mạnh.
Cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc ngày 24.2 dẫn thông tin từ cơ quan quản lý hạt nhân Ukraina cho hay, 4 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành của Ukraina đang hoạt động an toàn và không có sự "phá hủy" nào với chất thải còn lại cũng như các cơ sở khác tại Chernobyl.
Ông Acton lưu ý, những lò phản ứng khác của Ukraina không nằm trong vùng phải tránh xa và chứa nhiều nhiên liệu hạt nhân có tính phóng xạ cao hơn rất nhiều. "Rủi ro chiến đấu xung quanh những lò phản ứng đó cao hơn đáng kể" - ông nhấn mạnh.