Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2.2, thông tin về phiên họp chính phủ cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ cho biết, tại cuộc họp cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới trong đó có quyết liệt phòng chống COVID-19 và "chăm lo Tết Nguyên đán cho người dân không để người dân, gia đình nào không có Tết".
Chính phủ yêu cầu phải tập trung lo tết cho dân, đặc biệt là các chính sách với người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, vùng thiên tai, vùng sâu, vùng phong tỏa do dịch, đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết về chất lượng, số lượng, đảm bảo giá cả.
Ông Mai Tiến Dũng nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp thường kỳ là cần chấn chỉnh hoạt động lễ hội sau Tết. Ngay sau Tết, phải bắt tay vào công việc. Không tổ chức đi thăm, chúc Tết cấp trên và lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức; không dùng ngân sách Nhà nước, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi. Tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương có kế hoạch bố trí cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm chế độ trực Tết, thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1.2021 trong cuộc họp báo của Chính phủ tháng 1.2021 cho biết, các hoạt động dịch vụ diễn ra khá sôi nổi trong dịp Tết Dương lịch và cận Tết Nguyên đán, điển hình là dịch vụ bán buôn bán lẻ, vận tải. Thị trường trong nước được đẩy mạnh, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1.2021 ước đạt 479,9 nghìn tỉ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Báo cáo cũng nêu rõ, trong tháng 1.2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 bắt đầu có những diễn biến phức tạp, đã phát sinh những ổ dịch mới trong cộng đồng tại một số địa phương trên toàn quốc.
Các cấp, các ngành và các địa phương đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, phòng ngừa dịch bệnh tiếp tục lây lan, đồng thời tiếp tục sàng lọc, tìm nguồn gốc ổ dịch lây nhiễm.
Theo dõi chặt chẽ, nắm tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán để kịp thời có phương án hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết; tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19. Triển khai công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp, đồng thời phòng ngừa thất nghiệp và giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động.
Các cấp, các ngành đã chủ động ban hành các quyết định để hỗ trợ cho các đối tượng hưởng chính sách; đảm bảo tặng quà đúng đối tượng, đúng chế độ, công khai, minh bạch, tránh trùng lặp, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, đảm bảo tất cả các đối tượng đều có quà và nhận được quà trước Tết Nguyên đán. Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội đầy đủ.
Tập trung thông tin kịp thời các hoạt động chính trị - xã hội, phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của đất nước; thông tin kịp thời, đúng định hướng về Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các hoạt động kinh tế - xã hội, các hoạt động chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Sửu và các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19.