Công khai các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch
Ngày 23.11, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện tháng 10 của Quốc hội.
Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri dành nhiều sự quan tâm trong việc thực hiện các biện pháp hành chính trong phòng, chống dịch COVID-19, nhất là việc đi lại, lưu thông hàng hóa. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn lo lắng về tình hình quản lý người từ các tỉnh khác trở về, công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở doanh nghiệp thực hiện 4 tại chỗ...
Theo ông Dương Thanh Bình, cử tri cũng kiến nghị tăng cường hơn nữa giám sát việc trang bị và mua sắm các trang thiết bị y tế; việc chỉ định điều trị trong khám chữa bệnh tại các bệnh viện (công và tư). Kiểm soát giá các trang thiết bị vật tư y tế dùng cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Quản lý chặt chẽ và công khai các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhất là nguồn tài trợ, quyên góp ủng hộ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó, cử tri cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế sớm triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em ở các cấp học để các cháu đến trường an toàn vào học kỳ 2 năm học 2021 - 2022.
Trong tháng 10, Ban Dân nguyện tổng hợp được 1.707 kiến nghị của cử tri và đã kịp thời chuyển các kiến nghị trên đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Ông Dương Thanh Bình cũng nêu rõ, việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Kế hoạch số 1910/KH-TTCP ngày 29.10.2021 về việc tổ chức rà soát đối với 74 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người phức tạp, kéo dài tại các cơ quan Trung ương.
Theo Kế hoạch, Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, cơ quan hữu quan ở Trung ương và cấp ủy chính quyền địa phương để rà soát, có giải pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.
Theo tổng hợp của các Đoàn đại biểu Quốc hội, trong tháng 9 và tháng 10, các Đoàn đã tiếp 468 lượt người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 380 vụ việc, trong đó có 13 lượt đoàn đông người, cụ thể:
Trong kỳ báo cáo, các cơ quan của Quốc hội, Ban công tác đại biểu và Ban Dân nguyện nhận được 2.578 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân chuyển đến. Trong đó có 624 đơn thư đủ điều kiện xử lý, 1.166 đơn không đủ điều kiện xử lý.
Thống kê, kiểm đếm tất cả những vụ việc nổi cộm, tồn đọng để giải quyết
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo của Ban Dân nguyện. Báo cáo đã nêu ra kết quả thực hiện việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và từng bước đi vào nền nếp.
Theo ông Phương, kết quả tiếp nhận giải quyết khiếu nại tố cáo ở kỳ họp thứ nhất là 57,1%, kỳ họp thứ 2 đang được thực hiện. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan như Hội đồng dân tộc, các uỷ ban chủ động chức năng, nhiệm vụ của mình để tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo theo lĩnh vực phụ trách.
Tiếp đó, các báo cáo cần khắc phục những hạn chế, làm sao cho phản ánh đúng, đầy đủ ý kiến của người dân gửi đến kỳ họp. Ban Dân nguyện cần có sự phối hợp tốt hơn nữa với các cơ quan chuyên môn, cơ quan có thẩm quyền để báo cáo thật sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn.
Ngoài ra, cần giao cho các đoàn giám sát tới đây thống kê, kiểm đếm tất cả những vụ việc nổi cộm, tồn đọng để chỉ rõ cho các cấp có thẩm quyền giải quyết.