Bài học xương máu của ngành y
Sáng 8.11, thảo luận ở Quốc hội về tình hình kinh tế -xã hội, Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM) đã dành thời gian nói về những bài học “xương máu” trong việc chống dịch.
Theo bà, cần nhìn vào sự hy sinh, mất mát quá nhiều, đặc biệt là hơn 20.000 ca tử vong thời gian qua, để rút kinh nghiệm, để công tác chống dịch thời gian tới hiệu quả hơn.
Đại biểu cho rằng, Chính phủ, Bộ Y tế cần có những chính sách cụ thể để nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng cấp cơ sở. Bởi nhiều địa phương chưa thực hiện đúng chủ trương là dành 30% ngân sách cho y tế dự phòng, nên khi dịch bệnh bùng phát đã lúng túng, bị động, thiếu nhân lực, thiết bị, vật tư y tế.
Về hệ thống điều trị, bà Lan thẳng thắn cho rằng "đây là phép thử để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị nhưng chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác hết". Hệ thống y tế tư nhân thì chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế thỏa đáng để cùng tham gia chống dịch.
“Việc xét nghiệm nếu phân công rạch ròi để cho bảo hiểm làm việc đó, cùng với cơ chế đấu thầu lựa chọn giá tốt nhất, thì không có tình trạng loạn giá xét nghiệm như vừa qua", đại biểu Lan nhấn mạnh.
Đặc biệt, bài học khiến đại biểu Phong Lan đau lòng nhất là thời gian qua có nhiều cán bộ, nhân viên y tế đã vướng vòng lao lý.
"Chúng ta đã thực sự ưu tiên cho y tế hay chưa? Thực sự ngành nào cũng có tiêu cực, tích cực, cũng có nhiều con người cùng hoạt động. Trong ngành y, để phục vụ người bệnh thì phải làm sao tạo điều kiện cho nhân viên y tế, cán bộ quản lý có môi trường phát triển y đức. Chứ không phải lúc xảy ra chuyện rồi thì sử dụng biện pháp hành chính và các biện pháp hình sự. Bản thân tôi rất đau lòng. Chính người dân sẽ phải trả giá về việc này"- đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nói.
Đã vi phạm pháp luật, đều phải bị xử lý
Cũng bày tỏ quan tâm về vấn đề đại biểu Phong Lan đã nêu, Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) cho rằng cần nhìn thẳng vào sự thật không ít cán bộ y bác sĩ đã vi phạm pháp luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự để rút ra các bài học.
“Không có gì đau xót hơn khi pháp luật phải xử lý những người được coi là tinh hoa của đất nước. Tôi không có ý định bào chữa cho bất cứ một ai. Dù là thầy thuốc, nhà giáo, thì họ là người có chức năng quyền hạn, đã vi phạm pháp luật, đều phải chịu trách nhiệm và bị xử lý nghiêm minh” – đại biểu Long nói.
Ông cho rằng cần đánh giá đúng những hạn chế yếu kém trong công tác quản lý của ngành y tế, cũng như lỗ hổng pháp luật hiện nay. Điểm chung các vụ án thời gian qua cho thấy, số cán bộ y tế, lãnh đạo các bệnh viện bị truy cứu trách nhiệm hình sự không chỉ vi phạm về chức vụ mà đều vi phạm quy định về kinh tế như đấu thầu, mua sắm thiết bị y tế.
Theo đại biểu Nguyễn Công Long, những vi phạm của bác sĩ trong quản lý điều hành có nguyên nhân từ bất cấp của hệ thống pháp luật. Bác sĩ là những người được đào tạo chuyên sâu về khoa học, nhằm điều trị, chăm sóc cho sức khỏe nhân dân. Một bác sĩ được cất nhắc làm lãnh đạo quản lý, thì phụ thuộc nhiều yếu tố như đạo đức chính trị, phẩm chất nghề nghiệp, uy tín cá nhân, uy tín chuyên môn.
Tuy nhiên hiện nay, một giám đốc bệnh viện công lập được yêu cầu không chỉ chịu trách nhiệm cứu chữa bệnh nhân mà còn chịu trách nhiệm từ những chuyện gửi xe, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế…
Đại biểu dẫn chứng kinh nghiệm từ thế giới, người quản lý ở cơ sở y tế chỉ chịu trách nhiệm trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Họ có quyền đưa ra yêu cầu về thuốc, thiết bị y tế, hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh. Còn nhiệm vụ cung ứng, mua sắm, đấu thầu do bộ phận chuyên trách khác đảm nhiệm.
Từ những dẫn chứng này, đại biểu Long kiến nghị, ngoài việc xử lý nghiêm sai phạm liên quan đến công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị vật tư y tế thời gian qua, cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác quản lý, điều hành trong lĩnh vực y tế. Việc này sẽ giúp ngăn ngừa những sai phạm tương tự xảy ra trong tương lai.