Sáng 26.5, giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng (đại biểu Ninh Bình) cho rằng việc đánh thuế tài sản sẽ đảm bảo công bằng.
“Thuế tài sản sẽ được thiết kế theo hướng tạo công bằng xã hội, đảm bảo minh bạch, chống tham nhũng", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Liên quan đến những đề xuất áp thuế căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh... có giá trị từ 700 triệu đồng, thuế suất là 0,4% một năm (cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng), Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục nghiên cứu nội dung về thuế tài sản sau khi tiếp thu ý kiến góp ý từ các bộ, ngành, người dân…
Sau phần giải trình của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đã xin tranh luận.
Ông đánh giá, qua báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính có thể cho thấy công tác thu ngân sách thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, đã có sự tăng thu giảm lỗ.
“Tuy nhiên, ở khía cạnh nào đó, có thể thấy trước đây chúng ta đã chưa làm hết trách nhiệm. Tôi rất mong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chấn chỉnh công tác này” - đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Riêng về vấn đề một số người nợ thuế đã chết, ông Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị Bộ Tài chính: Cần rà soát kỹ người chết nào thì người thừa kế vẫn phải nộp thuế. Bởi theo quy định của Luật Thừa kế, chết không có nghĩa là hết nghĩa vụ. Chết không có nghĩa là chúng ta xóa hoàn toàn khoản nợ. Bởi tiền này là ngân sách của nhà nước. Đây là vấn đề mang tính kỷ luật rất cao nên phải chấp hành nghiêm.
Trước đó, Bộ Tài chính đã đề xuất xóa nợ thuế cho một số đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hay giải thể, phá sản…
Theo báo cáo tới thời điểm 30.4 của ngành thuế, tổng số tiền thuế nợ là 82.877 tỉ đồng, tăng hơn 9.700 tỉ đồng (+13,3%) so với thời điểm 31.12.2017.
Trong số này, riêng nhóm nợ không có khả năng thu (người đã chết, mất tích mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh) là trên 32.000 tỉ đồng. Con số này chiếm tới 39% tổng số tiền thuế nợ.
Thực tế, kiến nghị xóa nợ thuế cho nhiều trường hợp không có khả năng thu hồi đã được Bộ Tài chính nêu lên trong vài năm gần đây nhưng chưa được thông qua. Một trong những lo lắng là việc xóa nợ sẽ tạo ra sự thiếu bình đẳng giữa những người nộp thuế.