Nhiều địa phương đua nhau đề xuất làm sân bay mới:

Đừng để sân bay “treo” làm đảo lộn đời sống người dân

Văn Tiến Nguyên |

Dù cần thiết đưa thêm các sân bay mới vào quy hoạch nhằm theo kịp các kịch bản tăng trưởng vận chuyển hàng không trong tương lai, điều mà nhiều chuyên gia lo ngại đó là trong trường hợp công trình được đưa vào quy hoạch đầu tư sau 20 - 30 năm nữa, cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân vùng dự án sẽ bị “treo” theo, việc chuyển quyền sử dụng đất hoặc xây dựng các công trình kiên cố sẽ bị đóng băng.

Lo ngại “thổi” giá đất

Đề xuất xây dựng sân bay của nhiều địa phương như Bạc Liêu, Cao Bằng, Hà Tĩnh, Ninh Thuận và mới đây nhất là TP.Hà Nội đang nhận được sự quan tâm của người dân địa phương và các chuyên gia. Vấn đề này cũng đang hình thành hai luồng dư luận khác nhau và cho thấy việc đề xuất xây dựng một sân bay mới, thậm chí mới chỉ ở khâu đưa vào quy hoạch, cũng cần được tính toán thận trọng nhằm tránh những tác động không mong muốn có thể đảo lộn đời sống người dân ở vùng được quy hoạch dự án.

Lấy ví dụ với đề xuất xây dựng sân bay thứ hai ở khu vực huyện Ứng Hòa (Hà Nội), phía đồng thuận cho rằng, với một đất nước có chiều dài hàng ngàn cây số, có độ mở nền kinh tế rất cao như Việt Nam, việc có thêm một công trình kết cấu hạ tầng hiện đại là không bao giờ thừa. Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt vấn đề xây dựng, thậm chí bổ sung vào quy hoạch thêm cảng hàng không thứ hai cho Vùng Thủ đô là không cần thiết, nhất là khi Bộ GTVT đang nghiên cứu mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu lượt hành khách/năm.

Chia sẻ với Lao Động, TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm - nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch - Phát triển Đô thị Việt Nam - cho rằng, đối với vùng Thủ Đô thêm một sân bay nữa ngoài các sân bay hiện hữu cũng cần thiết. Tuy nhiên, vị trí sân bay ở chỗ nào thì cần phải nghiên cứu, cân đối về giao thông, liên kết vùng. Đặc biệt, vị trí lựa chọn sân bay phải cân đối với các chính sách khác của nhà nước như an toàn lương thực, phòng chống lũ lụt.

Ông nói rằng, việc đề cập xây dựng sân bay mới là việc làm cần thiết, nhưng phải hết sức thận trọng, đảm bảo hài hoà các nhu cầu. Nói về đề xuất làm sân bay quốc tế ở huyện Ứng Hoà, ông Nghiêm chia sẻ, cần có vị trí cụ thể, không thể nói làm sân bay ở Ứng Hoà một cách chung chung.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, cần phải nêu rõ hơn sân bay mới phục vụ cho vùng dân cư nào, khu vực kinh tế, hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt... như thế nào để đưa ra những con số so sánh nhu cầu hàng không rồi tính toán tới việc quyết định xây dựng sân bay. Như với đề xuất của Hà Nội, không thể nói chung chung là xây sân bay Ứng Hoà để rồi làm người dân địa phương hoang mang, kéo theo đó là các chiêu trò thổi giá đất, bất động sản lên cao gây hỗn loạn. Theo ông Tống, sân bay có ở vùng nào thì vùng đó phát triển, nhưng những khu vực ở sát sân bay lại rất hạn chế về mặt xây dựng. Nếu đặt nó ở gần thành phố thì sẽ hạn chế sự phát triển của thành phố. Công trình không được xây cao, những show diễn chiếu đèn laser cũng phải hạn chế.

Người dân vùng dự án sẽ bị treo theo

Trao đổi với Lao Động, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông - người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội cho rằng, lựa chọn xây dựng sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa có nhiều điểm bất hợp lý.

Ông Thủy cho rằng, việc đề xuất xây dựng một sân bay thứ 2 cho Hà Nội có đôi chút vội vàng. Thực tế, sân bay Nội Bài vẫn chưa bị quá tải. Quỹ đất tại khu vực quanh vẫn còn tương đối thoải mái. Vì vậy, Hà Nội nên ưu tiên mở rộng quy mô và tăng công suất của sân bay Nội Bài, thay vì xây dựng thêm một sân bay mới.

Để xây dựng một sân bay cần phải có một khoảng thời gian đủ dài, có thể vài năm, hoặc vài chục năm để nghiên cứu đề án xây dựng một sân bay mới cho Hà Nội, chứ không phải vừa mới đề xuất xong bắt tay vào làm luôn. Quá trình này cần có nhiều bộ, ban, ngành cùng phối hợp tham gia, nhất là quốc phòng - an ninh. Vị chuyên gia này cho rằng, bản thân sân bay Nội Bài cũng chỉ cách 2 cảng hàng không quốc tế vừa được đầu tư hiện đại là Cát Bi (Hải Phòng), Vân Đồn (Quảng Ninh) lần lượt 100km và 150km đường chim bay và được kết nối bằng hệ thống đường cao tốc 4 - 6 làn xe, vận tốc 120km/h.

Đáng chú ý, ngoài lượng kinh phí rất lớn cần có chỉ để xây thêm 1 sân bay, một dự án sân bay còn khó hoàn vốn nếu gọi vốn tư nhân, hàng nghìn hécta đất nông nghiệp sẽ bị chiếm dụng. Do đó, “trong trường hợp công trình được đưa vào quy hoạch đầu tư sau 20 - 30 năm nữa, thì cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân vùng dự án sẽ bị treo theo, việc chuyển quyền sử dụng đất hoặc xây dựng các công trình kiên cố sẽ bị đóng băng” - ông Thủy nhấn mạnh.

Chưa kể cũng theo ông Thủy, khi đề xuất xây dựng một sân bay cần dựa vào quy hoạch đô thị tại hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, hệ thống sân bay dân sự thường nằm cách xa trung tâm thành phố từ 40 - 50km nhằm hạn chế tiếng ồn, giảm ách tắc giao thông, hỗ trợ phát triển đô thị ở khu ngoại vi. Đồng thời, điều này còn tiết kiệm chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng… Vì vậy, xét dưới góc độ địa lý, huyện Ứng Hòa nằm quá gần trung tâm Thủ đô Hà Nội, nếu đặt sân bay ở đây sẽ có nhiều hệ lụy không tốt đối với quá trình phát triển đô thị của Hà Nội.

Văn Tiến Nguyên
TIN LIÊN QUAN

Mạng lưới sân bay cả nước cần được mở rộng

Văn Tiến Nguyên |

Việc nhiều địa phương trong thời gian gần đây liên tiếp đề xuất xây dựng sân bay tại địa phương gây lo ngại có thể làm bùng phát một làn sóng “nhà nhà làm sân bay” dễ dẫn đến những hệ lụy như xây xong rồi để đấy, hay sân bay xây xong èo uột hành khách... Các đề xuất này căn cứ theo Bộ GTVT sẽ xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030. Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia hàng không, việc đề xuất xây dựng sân bay mới cần được tính toán thận trọng trên cơ sở nhu cầu cũng như tính khả thi trong thực tế, bởi nếu không có thể dẫn đến tình trạng quy hoạch treo...

Kiến nghị xây sân bay thứ 2 tại Hà Nội: Không hợp lý và chưa cần thiết

Đặng Tiến |

Theo kiến nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, phương án xây dựng sân bay thứ 2 tại khu vực huyện Ứng Hòa cần được đặt ra cùng với việc mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Nội Bài lên 100 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, ngân sách hạn hẹp, việc Hà Nội đề xuất xây dựng thêm sân bay là chưa hợp lý. Do đó, cần tập trung khai thác hiệu quả công suất của sân bay Nội Bài.

Đề xuất xem xét phương án mở sân bay tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội

Minh Hạnh |

Sở Quy hoạch Kiến trúc vừa kiến nghị Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội xem xét phương án bố trí sân bay thứ hai tại khu vực phía Nam Hà Nội.

Cháy lớn ở Long Biên, 7 xe chữa cháy được huy động đến hiện trường

Khánh An |

Đám cháy lớn xảy ra tại một cửa hàng bán dụng cụ làm vườn tại đường Nguyễn Văn Linh (phường Gia Thuỵ, quận Long Biên, Thành phố Hà Nội).

Bé trai 6 tuổi cấp cứu ở TPHCM nghi bị ba ruột bạo hành

Minh Anh |

TPHCM - Liên quan đến thông tin phản ánh nghi ba ruột bạo hành con trai nhập viện cấp cứu, Công an Phường 16, Quận 8 đang vào cuộc làm rõ.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng nghỉ hưu trước tuổi

HOÀI THANH |

Lâm Đồng - Ông Trần Đình Văn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, đã nhận quyết định chính thức nghỉ hưu trước tuổi.

Bệnh nhân ung thư hy vọng được thêm thuốc vào danh mục BHYT

Cao Thơm - Phương Anh |

Trước kiến nghị từ cử tri về việc xem xét, cập nhật danh mục thuốc ung thư mới cho bảo hiểm y tế (BHYT), niềm hy vọng đang nhen nhóm trong lòng nhiều bệnh nhân.

Xem xét kỷ luật đối với cô giáo có lời lẽ thiếu chuẩn mực

NGUYỄN TRƯỜNG |

Ninh Bình - Vụ việc cô giáo bị tố có lời lẽ thiếu chuẩn mực với học sinh, Ban Giám hiệu nhà trường đang xem xét để có hình thức kỷ luật.