Tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tỉnh Gia Lai phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng tăng trưởng, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh; là trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Là tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Hình thành các mô hình nông nghiệp sinh thái, hiện đại, thông minh; nông nghiệp hữu cơ có thương hiệu.
Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế xanh, bền vững, đưa tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của Tây Nguyên. Xây dựng năng lực đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo.
Phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa Gia Lai, trọng tâm là con người Gia Lai, chăm lo đời sống của đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa.
Đến năm 2050, tỉnh Gia Lai là "Cao nguyên Sinh thái, Thể thao và Sức khỏe", điểm đến sinh thái, khác biệt và độc đáo, là vùng đất xanh, giàu bản sắc văn hóa.
Phát triển kinh tế dựa trên nền tảng công nghệ số phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh là chủ đạo dựa trên ba trụ cột phát triển là nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp.
Về xã hội, tỉnh Gia Lai mang đặc trưng vùng sinh thái nhân văn cao nguyên Pleiku, Kon Hà Nừng. Xây dựng cộng đồng có lối sống xanh, lấy con người làm trung tâm, nâng cao tri thức cộng đồng, chất lượng nguồn nhân lực.
Tỉnh Gia Lai có hệ thống hạ tầng kết nối đồng bộ, xanh, thông minh. Tỉnh Gia Lai kết nối với sự phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông gắn dịch vụ vận tải; hạ tầng công nghệ số liên thông với hạ tầng số quốc gia. Hệ thống đô thị phát triển hiện đại liên kết với khu vực nông thôn, người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ, tiện ích xã hội.
Về phương án tổ chức các hoạt động kinh tế xã hội, Gia Lai sẽ tổ chức không gian theo các hành lang kinh tế.
Cảng hàng không Pleiku hướng tới là cửa ngõ quốc tế trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá của tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, kết nối tỉnh Gia Lai với các vùng động lực quốc gia, các trung tâm kinh tế lớn trong nước và mở rộng kết nối quốc tế.
Hình thành các chức năng, dịch vụ tiện ích tiêu chuẩn cao như đô thị, logistics, du lịch, thương mại, y tế, thể thao.
Ba hành lang kinh tế
Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh (gắn với Quốc lộ 14): Kết nối khu vực phía Bắc với tỉnh Kon Tum, khu vực phía Nam với các tỉnh Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh. Là hành lang thương mại - dịch vụ - công nghiệp của tỉnh, liên kết các đầu mối hạ tầng cơ sở cấp vùng, các cơ sở công nghiệp dọc tuyến và các khu chức năng khác.
Hành lang kinh tế Đông - Tây (gắn với Quốc lộ 19): Kết nối từ cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến thành phố Quy Nhơn, liên kết phát triển địa bàn các đô thị: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh, thị trấn Chư Ty, thành phố Pleiku, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ và Thị xã An Khê.
Là hành lang phát triển nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, trung tâm trung chuyển logistics, thông thương hàng hóa giữa Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) với cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định).
Hành lang kinh tế Quốc lộ 25: Kết nối với tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa, liên kết phát triển các địa bàn đô thị thành phố Pleiku, huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh, huyện Phú Thiện, thị xã Ayun Pa và huyện Krông Pa.
Kết nối tỉnh Gia Lai với Khu kinh tế Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Khu kinh tế Nam Phú Yên (tỉnh Phú Yên). Đây là hành lang phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.