Tháo gỡ rào cản về những quy định chồng chéo
Với quyết tâm kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, ngày 12.5.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Nghị quyết đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Trước diễn biến hết sức phức tạp, tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tổng hợp các quy định của pháp luật cụ thể gây cản trở, vướng mắc, khó khăn cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế.
Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, cần làm gì để giải phóng được sức, vốn đầu tư, môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp đều nên làm. Đặc biệt trong bối cảnh phát triển kinh tế của đất nước ta hiện nay. “Việc thành lập tổ công tác tập trung vào cải cách hành chính có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cả khu vực công và khu vực tư. Thứ hai là tạo nên được môi trường trong dịch vụ công, dịch vụ hành chính rõ ràng. Người làm doanh nghiệp đoán định được phương án kinh doanh của người ta” - ông Nam nói và cho biết nhiệm vụ của tổ công tác coi doanh nghiệp, người dân là trọng tâm.
Phải vượt qua sức ỳ lớn
Một vấn đề được đặt ra trong toạ đàm đó là có nhiều ý kiến cho rằng rất khó để thuyết phục các cơ quan quản lý tự đề xuất cắt bỏ các quy định quản lý chuyên ngành khi mà tư duy quản lý vẫn theo nếp cũ, thậm chí còn có quan niệm “quyền anh, quyền tôi”. Việc này dẫn tới nhiều quy định, thủ tục kinh doanh trồng chéo còn chưa được rà soát.
Nêu ý kiến về vấn đề này, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực kinh doanh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng, các bộ, ngành hiện nay nhận thức được việc làm sao quản lý hiện đại. Nhưng có lẽ ở đây có sự chần chừ trong sự thay đổi.
“Chần chừ chứ không phải không biết cách thay đổi. Sự chần chừ ở đây có thể có một số lý do tương đối mang tính chất quyền lực” - bà Thảo nói và cho rằng, chúng ta có thể nhận thấy thông thường, ít có bộ, ngành nào tự đưa lên đề xuất sẽ thay đổi hay đơn giản hoá điều kiện này, quy định kia.
Bà Thảo cho hay trong khoảng 3 năm gần đây, sau khi có đánh giá độc lập, nhận định từ các bên liên quan, từ các hiệp hội hay phản ánh của các doanh nghiệp đã tạo ra một số áp lực buộc các bộ ngành phải chủ động rà soát lại những quy định của họ xem quy định nào chưa rõ ràng. Và nhiều bộ, ngành đã có sự chủ động trong việc này. Những quy định nào không hợp lý được bỏ đi, những quy định không rõ ràng thì đã được điều chỉnh, sửa đổi lại.
“Tuy nhiên, dường như chỉ mới cắt đi hoặc đơn giản hoá những thủ tục đơn giản. Những quy định vướng mắc trực tiếp liên quan tới khó khăn của doanh nghiệp thì chưa được tháo gỡ nhiều. Doanh nghiệp chưa thực sự cảm nhận được việc tháo gỡ những rào cản trong kinh doanh” - bà Thảo nhận định.
Cùng trao đổi về việc này, ông Tô Hoài Nam cũng cho rằng, để giải quyết được sức ỳ trong việc cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục kinh doanh thì cần có áp lực mạnh. Sức mạnh này phải mạnh hơn sức ỳ.
“Trước đây trong quá khứ, chúng ta sử dụng áp lực từ trên xuống. Cái áp lực này nó mang nặng tính hình thức và áp lực trong phòng hội nghị. Hiện nay truyền thông xã hội thời gian gần đây cho thấy đây là áp lực không hề nhỏ. Chúng ta sử dụng đồng thời áp lực hành chính và áp lực trong truyền thông thì có chuyển biến nhanh hơn. Chúng ta cần phải đáp ứng được yếu tố minh bạch và không ngại nói ra những điều chúng ta yếu. Qua đó tạo ra được áp lực, giải quyết được sức ỳ” - ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, rõ ràng hoạt động kinh doanh cần dựa trên một nền pháp luật rõ ràng, mở, thoáng. Những gì gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, không cần thiết, cản trở môi trường kinh doanh thì nên cắt bỏ. Bởi có những rào cản làm mất đi cơ hội kinh doanh do đó cần phải rà soát để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo cũng cho rằng, với các quy định khi rà soát cần phải đặt câu hỏi quy định đó có thực sự cần thiết cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý không. “Ở đây cần phải đặt vấn đề, quy định nào cần thiết được gỡ bỏ, quy định nào cần giữ, quy định nào có thể chuyển sang hậu kiểm được. Quy định nào có thể chuyển sang số hoá, điện tử được” - bà Thảo nói và cho rằng, chúng ta không nên bỏ qua đầu vào mà nên dùng cơ chế hậu kiểm.