Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" kinh tế. Vì vậy, việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan thị trường bất động sản hết sức quan trọng đối với sự ổn định, phát triển của nền kinh tế.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, vừa qua, Tổ công tác cùng các bộ, ngành đã làm việc với các địa phương để làm rõ những vướng mắc về áp dụng pháp luật của các dự án bất động sản, từ đó xác định trách nhiệm, cấp thẩm quyền giải quyết.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng báo cáo về những dự án bất động sản gặp vướng mắc điển hình, phương án giải quyết, thời hạn hoàn thành.
"Các đồng chí phải chỉ rõ vướng mắc ở văn bản pháp luật nào, thuộc cấp nào ban hành, ai giải quyết, bao giờ xong, trong đó tập trung vào những nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Sau cuộc họp, chúng ta phải khẩn trương triển khai các giải pháp hoàn thành thủ tục pháp lí cho các dự án bất động sản, tạo chuyển biến, tác động tích cực ngay đến thị trường bất động sản. Không thể cứ họp nhiều nhưng thị trường vẫn như vậy, vướng mắc vẫn như vậy" - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nguyên nhân cơ bản của các khó khăn, vướng mắc dự án bất động sản đang gặp phải chủ yếu do việc tổ chức thực thi pháp luật của địa phương.
Cụ thể, liên quan đến quy hoạch: Chưa có sự đồng bộ, thống nhất giữa quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng của dự án đang triển khai thực hiện với quy hoạch chung của địa phương.
Một số dự án trong quá trình triển khai đầu tư xây dựng có sai lệch, chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt. Ngoài ra, các dự án gặp khó khăn liên quan đến quy định của pháp luật về bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.
Một số trường hợp do địa phương chậm triển khai việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án.
Đối với TPHCM theo rà soát, đánh giá có 30 nội dung vướng mắc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường; trong đó có 25 nội dung liên quan đến thẩm quyền của Bộ Xây dựng về nhà ở xã hội, cải tạo và xây dựng lại chung cư cũ, quy hoạch, chuyển nhượng dự án…
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tỉ lệ cho vay tín dụng đối với bất động sản đã tăng đối với với những dự án đủ điều kiện pháp lí; các ngân hàng đã sẵn sàng giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng dành cho lĩnh vực nhà ở xã hội.
Trước thực tế nhiều doanh nghiệp bất động sản chịu thiệt hại kinh tế không nhỏ do thời gian gỡ vướng kéo dài, Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đề nghị các bộ, ngành phải hướng dẫn chi tiết, đưa ra thời hạn cụ thể, quy trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị thực hiện.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương, nghiêm túc giải quyết các nhóm vấn đề tồn tại thuộc thẩm quyền nhằm hoàn thành thủ tục pháp lí cho các dự án bất động sản.
Có thể kể đến như: điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết dự án bất động sản phù hợp với quy hoạch phân khu, quy hoạch chung, quy định về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, xác định giá đất…; đồng thời tiếp tục rà soát, kiểm tra, báo cáo những vấn đề mới phát sinh.
Đối với các sai phạm của doanh nghiệp khi thực hiện đầu tư, xây dựng dự án bất động sản không đúng theo quy hoạch chi tiết 1/500 phải được khắc phục theo hướng bảo đảm đúng chỉ tiêu về hạ tầng, cây xanh, công trình công cộng…
"Đây là việc hết sức cấp bách, phải tháo gỡ kịp thời để giải phóng nguồn lực từ các dự án bất động sản" - Phó Thủ tướng nói và nêu rõ vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó phải giải quyết, có thời hạn cụ thể, và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu để chậm trễ, gây thiệt hại về kinh tế.