Ngày 2.12, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập.
Theo Cổng thông tin Chính phủ, tham dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thực tiễn phát triển cho thấy, các quốc gia thành công đều trọng dụng khoa học xã hội, có nền khoa học xã hội hùng mạnh và xã hội vừa hiện đại, vừa truyền thống, vừa bứt phá, vừa kế thừa.
Đối với Việt Nam, nhiệm vụ của khoa học xã hội không chỉ làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn mới về mô hình phát triển, các giá trị lịch sử, mà còn thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Việt Nam, giải phóng, phát triển sức sản xuất.
Đồng thời, khơi dậy khát vọng phát triển, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
Đây là những yêu cầu rất cao đặt ra cho Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cơ quan được Đảng, Nhà nước giao trọng trách nghiên cứu, tư vấn và đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội.
Phó Thủ tướng chia sẻ, Viện cần huy động đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới về cơ chế, chính sách đột phá và nguồn lực, để xây dựng đề án phát triển thành một trong những cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến.
Trong đó, cần tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý của Viện theo hướng hiện đại; đảm bảo cơ cấu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số; kết nối, chia sẻ dữ liệu, kết quả nghiên cứu.
Phó Thủ tướng đề nghị Viện chú trọng triển khai các chương trình, đề án nghiên cứu khoa học cơ bản, bài học kinh nghiệm từ các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba và những thời cơ, thách thức đặt ra trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Các xu thế phát triển, lý thuyết, mô hình trong kỷ nguyên của chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển kinh tế dựa vào tri thức, kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới.
Từ đó, góp phần giải quyết hiệu quả các mối quan hệ lớn đặt ra trong quá trình Đổi mới; cung cấp luận cứ cho xây dựng chiến lược, chính sách, lộ trình, bước đi cho Việt Nam để chủ động trước những xu thế, đổi thay của thời đại.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cần kiến tạo môi trường làm việc khoa học, tôn trọng tự do học thuật; đề xuất các cơ chế tài chính đột phá; đánh giá khách quan, công bằng để ghi nhận, tôn vinh, tạo cơ hội phát triển cho những cán bộ có năng lực và có nhiều đóng góp.
Viện cần có giải pháp đột phá để tạo chuyển biến căn bản, toàn diện công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước; góp phần hình thành giới nghiên cứu tinh hoa của đất nước trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.