Chiều 1.3, tại trụ sở Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Toạ đàm khoa học với chủ đề: “Đề cương về văn hóa Việt Nam và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học, nghệ thuật 80 năm qua”.
Dự và chủ trì hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Cùng tham dự có các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tác giả có tham luận; thành viên Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; đại diện các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các nhà khoa học thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Đây là cuộc Tọa đàm chuyên sâu về sự kế thừa, phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta trong 80 năm qua trên cơ sở những luận điểm gốc, cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943).
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: Việc tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học này là hoạt động có nhiều ý nghĩa thiết thực chào mừng 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943” của Đảng.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ đề nghị các đại biểu nghiên cứu, trao đổi, thảo luận về Đề cương văn hóa Việt Nam 80 năm qua, trong đó đề cập tập trung vào chủ đề “sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua”.
Tọa đàm nghiên cứu, trao đổi về Đề cương văn hóa Việt Nam (1943), với phạm vi vấn đề “bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”, nhưng đề nghị chú ý nhiều hơn cho lĩnh vực học thuật và nghệ thuật.
Từ đó, làm rõ “sự phát triển tư duy lý luận của Đảng đối với văn học, nghệ thuật 80 năm qua; những thành tựu và bài học quan trọng, nổi bật; Đảng ta đã quán triệt, vận dụng, bổ sung và phát triển những tư tưởng, quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) trong chặng đường 80 năm qua.
Ban Tổ chức Tọa đàm mong muốn và đề nghị các đại biểu tập trung nhiều hơn cho việc đánh giá sự ảnh hưởng của Đề cương về văn hóa đối với văn hóa nói chung, với sự phát triển của văn hóa, văn nghệ nước nhà 80 năm qua, những thành tựu nổi bật của nền văn học, nghệ thuật chúng ta đã gặt hái được; những đề xuất, kiến nghị quan trọng, cấp thiết hôm nay với Đảng và Nhà nước.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, từ Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943), nền văn hóa, văn nghệ nước ta trước yêu cầu mới.
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 tạo những tiền đề quan trọng cho công cuộc phát triển văn hóa, văn nghệ, làm cho văn hóa là nền tảng, là mục tiêu, là động lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Quá trình này tạo tiền đề để các ngành, bộ môn văn hóa, văn nghệ phát huy tối đa sức sáng tạo, những phương thức biểu đạt mới và hiện đại chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đặt ra cả cơ hội và thách thức trong quá trình lãnh đạo, quản lý văn hóa, văn nghệ; sự sáng tạo, truyền bá và thụ hưởng giá trị văn hóa, văn nghệ.
Ban Tổ chức cho biết, kết quả tọa đàm là cơ sở xây dựng những luận cứ khoa học góp phần làm sáng tỏ sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ trong 80 năm qua.
Trên cơ sở đó, Hội đồng tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng chiến lược đưa đường lối của Đảng vào đời sống, quảng bá ngày càng sâu rộng văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, thúc đẩy nền văn học, nghệ thuật nước ta phát triển mạnh mẽ, giàu giá trị nhân văn và giá trị thẩm mĩ, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại.