Báo Lao Động đạt 1 giải A, 1 giải B, 1 giải khuyến khích
Theo Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, qua 14 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia ngày càng nhận được sự quan tâm và tham gia chủ động, tích cực, hào hứng của các cấp hội, các cơ quan báo chí và hội viên nhà báo, cộng tác viên trong cả nước.
Năm nay, Hội đồng Chung khảo Giải đã chấm 140 tác phẩm thuộc 11 loại giải báo chí, được lựa chọn từ 1.602 tác phẩm đủ điều kiện tham gia vòng sơ khảo. Giải năm nay có hơn 110 đơn vị cấp hội và 230 cộng tác viên, tham dự 11 loại giải. Đây là năm có số lượng tác phẩm dự giải ở mức cao từ trước đến nay.
Thực hiện đúng Điều lệ giải và quy chế làm việc, thể thức bỏ phiếu của Hội đồng giải, với tinh thần trách nhiệm, khách quan, công tâm, trong số 140 tác phẩm được vào chung khảo, Hội đồng đã chẩm chọn được 103 tác phẩm báo chí xuất sắc, gồm: 9 Giải A, 21 Giải B, 41 Giải C và 32 Giải Khuyến khích.
Năm nay Báo Lao Động giành 3 giải thưởng gồm 1 giải A - với loạt bài “Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng”; 1 giải B với loạt bài “Giấy phép con “hành giáo viên” và 1 giải khuyến khích với Bộ ảnh “Châu - niềm cảm hứng sáng tạo”.
Chia sẻ về niềm vinh dự đạt giải A - Giải báo chí Quốc gia năm nay, phóng viên Nguyễn Huyên - đại diện nhóm tác giả thực hiện loạt bài “Truyền bá chuyện vong báo oán tại chùa Ba Vàng” cho biết: Khi bắt đầu thực hiện loạt bài này, chúng tôi có lẽ không hình dung hết tác phẩm Truyền bá vong báo oán tại Chùa Ba Vàng lại có thể thu hút sự quan tâm lớn đến như vậy. Chỉ từ một chút thông tin rất nhỏ như nhiều người sẵn sàng bán hết cả nhà cửa để cúng vong, thậm chí bỏ gia đình, bỏ con để đi làm công quả... Được sự đồng ý của Ban biên tập, nhóm đã quyết định vào cuộc điều tra, thu thập để đưa những thông tin, hình ảnh chân thực nhất đến công chúng.
Dấu ấn dấn thân của nhóm phóng viên
Cũng theo tác giả Nguyễn Huyên, suốt nhiều tháng thực hiện tác phẩm, nhóm thực hiện đã gặp không ít khó khăn. Ngay cả khi tác phẩm đã lên trang báo, nhóm cũng gặp nhiều lời đe dọa. Thế nhưng, áp lực lớn nhất với nhóm làm việc không phải là những lời de dọa hay sự khó khăn trong tác nghiệp mà là sự mong chờ của độc giả.
Niềm tin vào công lý, vào sự thật luôn là kim chỉ nam cho những phóng viên yêu nghề. Để rồi, hành trình để làm sáng tỏ cái gọi là “Thỉnh vong oan gia trái chủ” đã trở thành một ví dụ điển hình cho sự nhiệt huyết, sức trẻ, cái tâm và lòng yêu nghề của những người làm báo.
“Chúng tôi tin vào lẽ phải, mục đích duy nhất khi thực hiện phóng sự này là đưa sự việc “gọi vong báo oán” ra ánh sáng để những người chưa gặp phải sẽ cảnh giác, đồng thời cảnh tỉnh những người đã trót đi theo, đã u mê kịp thời tỉnh ngộ” - phóng viên Nguyễn Huyên nói.
Chia sẻ về tác phẩm đoạt giải B, Giải báo chí Quốc gia với loạt bài “Giấy phép con hành giáo viên” (5 kỳ) - đại diện nhóm tác giả, nhà báo Đặng Chung cho biết: Để có được những bài viết, những tiếng nói phản biện mạnh mẽ về những bất cập trong quy định về văn bằng, chứng chỉ trong thăng hạng, nâng ngạch, chúng tôi đã nhận được sự đồng hành của những người trong cuộc. Họ là giáo viên, công chức, viên chức. Họ dạy học sinh của mình phải trung thực trong học tập, trong thi cử, trong mọi việc làm... nhưng chính họ buộc phải gian lận, thậm chí phải mua chứng chỉ “làm đẹp hồ sơ” để được thăng hạng, nâng lương.
Loạt bài “Giấy phép con hành giáo viên” không chỉ đi vào những câu chuyện cụ thể, số phận giáo viên “cực chẳng đã” phải tốn kém, vay ngân hàng, nhịn ăn nhịn tiêu để đi thi chứng chỉ gian lận, mà còn chỉ ra những bất cập về quy định chứng chỉ trong nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức hiện nay.
Quy định về chứng chỉ áp đặt một cách máy móc, cào bằng, khiến đội ngũ công chức, viên chức khổ sở bổ sung hoàn thiện. Những "giấy phép con" đó đã tạo ra những hành vi tiêu cực, gian lận để "đạt chuẩn" theo yêu cầu. Đồng thời cũng tạo "vùng đất màu mỡ" cho các đối tượng “cò bằng cấp”, “cò chứng chỉ”.
“Chúng tôi đã có những tháng cùng ăn, cùng học với giáo viên và tận thấy nỗi thống khổ, vất vả của thầy cô trên hành trình chinh phục những chứng chỉ để đủ điều kiện được thăng hạng chức danh nghề nghiệp. Những chuyện bi hài đằng sau tấm chứng chỉ lần lượt được giáo viên kể ra, xót xa và chua chát” - nhà báo Đặng Chung chia sẻ.
Theo Hội đồng Giải báo chí Quốc gia lần thứ XIV năm 2019, các tác phẩm dự giải đã phản ánh toàn diện và sâu sắc đời sống chính trị, kinh tế xã hội an ninh quốc phòng của đất nước trong năm 2019. Nhiều tác phẩm có tính phát hiện, phản biện sâu, bám vấn đề, có hiệu quả xã hội tích cực.
Các tác phẩm đạt giải là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội, hiệu quả tác động xã hội tốt, thể hiện tính phát hiện, phản biện, đấu tranh phê phán cũng như biểu dương, xây dựng.