Nghiên cứu cơ chế cho TPHCM vay 20 tỉ USD hoàn thiện mạng lưới metro

MINH QUÂN |

TPHCM - Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép TPHCM vay một khoản đủ lớn - khoảng trên dưới 20 tỉ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Sáng 18.7, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.  Ảnh: Minh Quân
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Ảnh: Minh Quân

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên hội đồng vùng tập trung thảo luận và đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng, nhất là hạ tầng giao thông, xem đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.

Theo ông Nguyễn Chí Dũng, cần có các giải pháp huy động vốn đầu tư bao gồm nghiên cứu hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt nguồn lực ngoài nhà nước nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng. Trong đó, ưu tiên nguồn ngân sách trung ương từ nguồn dự phòng, tăng thu để đầu tư các dự án cấp bách liên vùng.

Đối với TPHCM, ông Nguyễn Chí Dũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế cho phép Thành phố vay một khoản đủ lớn khoảng trên dưới 20 tỉ USD để hoàn thành đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch.

Theo quy hoạch, TPHCM có 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường một ray với tổng chiều dài 220 km, tổng mức đầu tư gần 26 tỉ USD.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, 16 năm qua TPHCM chưa làm xong 20 km Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) là quá chậm. Tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) nhiều năm qua vẫn loay hoay giải phóng mặt bằng. Do đó, TPHCM cần sớm đẩy nhanh hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông.

Song song đó, TPHCM cũng cần mở rộng không gian phát triển bằng cách kéo dài đường sắt từ thành phố sang các địa phương lân cận trong vùng, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho thành phố. Việc này cũng nhằm góp phần quan trọng để phát triển các đô thị vệ tinh, tận dụng được không gian ngầm và phát triển được các mô hình TOD dọc các tuyến đường sắt đô thị này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị.  Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Về đường bộ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vừa qua các địa phương đã phối hợp tốt để thực hiện dự án đường Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Ông Dũng cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục triển khai dự án đường Vành đai 4, cao tốc TPHCM – Mộc Bài, TPHCM – Chơn Thành, Chơn Thành - Gia Nghĩa với chủ trương phân cấp cho địa phương thực hiện và có sự điều phối chung.

Sân bay Long Thành cũng tập trung triển khai để có thể đưa vào khai thác theo đúng tiến độ và phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp, dịch vụ liên quan để hình thành một nền kinh tế xung quanh đô thị sân bay này.

Trong tương lai, ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng TPHCM cần phối hợp với các địa phương phát triển các tuyến đường sắt kết nối với các địa phương trong vùng, nhất là nghiên cứu phát triển ngay đường sắt nhẹ kết nối sân bay Long Thành – Thủ Thiêm hay là Biên Hòa - Vũng Tàu.

Toàn cảnh hội nghị.  Ảnh: Thành Nhân
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Nhân

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để giảm tải cho các đô thị lớn cần kết hợp đẩy mạnh hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, giảm số lượng xe gắn máy cùng với cơ chế hỗ trợ đủ mạnh để vừa giảm ùn tắc giao thông vừa cải thiện môi trường.

Các địa phương trong vùng cũng cần điều phối phát triển hệ thống logistic gắn với cảng biển, hàng không quốc tế Long Thành và các cảng để giải quyết hài hòa bài toán giữa cảng Cát Lái, cảng Cái Mép – Thị Vải, cảng trung chuyển Cần Giờ nhằm khai thác hiệu quả công suất của các cảng đã đầu tư, đồng thời đảm bảo không bị xung đột lợi ích giữa các địa phương.

Tại hội nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định 825/2023 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng điều phối Vùng Đông Nam Bộ.

Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; 4 Phó Chủ tịch là Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

Các ủy viên, gồm: Thứ trưởng và tương đương của các bộ và cơ quan ngang bộ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hội đồng điều phối vùng thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Đông Nam Bộ.

MINH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Chìa khóa giúp TPHCM hoàn thành mục tiêu xây 200km metro

MINH QUÂN |

TPHCM – Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng - gắn với quy hoạch đô thị vùng phụ cận, nhà ga thuộc metro được kì vọng là giải pháp đột phá giúp TPHCM khai thác tối đa nguồn lực từ đất đai, tạo nguồn ngân sách để sớm hoàn thành nhiệm vụ làm 200km metro trong 12 năm tới.

16 năm thực hiện giấc mơ metro của TPHCM

MINH QUÂN |

TPHCM – Sau 16 năm phê duyệt, 11 năm triển khai, Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) dự kiến hoàn thành cuối năm nay, khai thác thương mại đầu năm 2024. Nhưng ngoài tuyến này, đến nay, TPHCM chưa khởi công thêm được tuyến metro nào khác.

TPHCM trước thách thức làm 200km metro trong 12 năm

MINH QUÂN |

TPHCM – Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM vừa đề xuất UBND TPHCM thành lập Tổ công tác xây dựng đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM nhằm tìm giải pháp đột phá hoàn thành 200km metro từ nay đến năm 2035.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhận thêm nhiệm vụ

PHẠM ĐÔNG |

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình được phân công là Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Nước màu đỏ tràn vào khu dân cư ở Hà Nội

KHÁNH AN |

Dòng nước màu đỏ tràn vào khu tập thể Phú Minh (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) khiến người dân lo lắng.

Dự báo cường độ áp thấp nhiệt đới khi mạnh lên thành bão số 4

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết, khi áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4 sẽ có cường độ cấp 8 - 9.

Phân bổ tiền hỗ trợ 26 địa phương bị ảnh hưởng bão lũ

PHẠM ĐÔNG - MINH KHÔI |

Ban Vận động Cứu trợ Trung ương sẽ tổ chức các đoàn giám sát việc phân bổ nguồn lực tại các địa phương nhận hỗ trợ do bị bão lũ.

Khách Hàn Quốc đổ xô du lịch Việt Nam dịp Trung Thu

Đan Thanh |

Kỳ nghỉ Tết Trung thu năm nay, khách Hàn Quốc du lịch nội địa và quốc tế tăng mạnh, đặc biệt tới Thái Lan, Việt Nam.