Cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi
Ngày 21.10, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV, thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn (đoàn Vĩnh Phúc) - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết: Thời gian qua có ý kiến cho rằng một số doanh nghiệp chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi ra Việt Nam. Điều này là không đúng.
“Chúng tôi đã trao đổi với một số tập đoàn như Adidas, Apple…, họ nói Việt Nam thời gian qua đã đóng cửa một thời gian tương đối dài, nên một số đơn hàng không đáp ứng được nên họ phải chuyển một số đơn đặt hàng đi. Tuy nhiên, hiện cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi và còn tiếp tục mở rộng" - ông Sơn nói.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, một số tập đoàn như Foxconn, Apple, Intel… đang muốn mở rộng sản xuất tiếp. Bởi họ thấy tiềm năng lớn của Việt Nam, nhất là các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký với các nước.
Thảo luận về các giải pháp kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế. Trong đó phải tiếp cận theo cả 2 hướng cả về cung và cầu của nền kinh tế.
“Kinh nghiệm các nước cho thấy cần có những biện pháp tài khoá để kích thích tổng cầu. Điều này rất quan trọng bởi sau làn sóng dịch COVID-19 thứ 4, đời sống người dân rất khó khăn khiến tổng cầu giảm. Ngoài ra kích thích tổng cung cũng rất quan trọng, khi tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất đã diễn ra”, ông Sơn cho biết.
Ông Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng việc khôi phục thị trường lao động khi mà nhiều người dân đã di chuyển về quê.
Giữ được những “trận địa” đang có sự thu hút đầu tư
Cũng trong buổi làm việc tại tổ, ông Bùi Thanh Sơn cho biết, thống kê đến cuộc họp ngày hôm qua, đã có 99 triệu liều vaccine chính thức về đến Việt Nam. Trong đó số mua là 50,6 triệu liều, số vaccine các nước viện trợ qua cơ chế COVAX hoặc qua song phương khoảng 34 triệu liều... Theo ông Sơn, đến hết tháng 10 sẽ rơi vào khoảng 110 - 120 triệu liều.
“Hiện chúng ta đã tiêm được khoảng 65 triệu liều, muốn trở lại trạng thái “bình thường mới” chắc chắn phải phủ được vaccine”, ông Sơn nhấn mạnh.
Đáng chú ý ông Sơn cho biết, Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine đang xây dựng để trình Chính phủ kế hoạch mua vaccine trong năm 2022, cộng với vaccine sản xuất trong nước. Theo ông Sơn, cần tính sớm và chủ động về nguồn cung vaccine, bởi thời gian tới chúng ta sẽ tiêm vaccine cho trẻ em. Bên cạnh đó, hiện nhiều nước đang tiêm tăng cường mũi thứ 3.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng (đoàn Quảng Ninh) - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, bên cạnh cần tổng kết những bài học vừa qua, cần phân tích cụ thể dư địa chính sách cho phát triển thời gian tới.
Trong đó phải giữ được những “trận địa” đang có sự thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tốt, tạo điểm sáng môi trường đầu tư kinh doanh nhằm lan tỏa sang địa phương khác, để “anh mạnh lo cho anh yếu, chứ cả nhà 63 anh ốm cả thì ai lo cho ai”.
Đại biểu Nguyễn Xuân Thắng cũng chỉ rõ phải tiết giảm nhiều hơn nữa thủ tục hành chính không cần thiết để hỗ trợ một cách nhanh nhất vì “một miếng khi đói bằng một gói khi no”.
“Chính sách có đến với người dân hay không, người dân có niềm tin với quyết sách hay không là ở tổ chức triển khai thực hiện. Đây vẫn là khâu yếu nên phải khắc phục bằng những giải pháp cụ thể” – ông Thắng nói.