Cách đây 30 năm, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII, quyết định phân chia tỉnh Hậu Giang (cũ) thành 2 tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng. Tháng 4.1992, tỉnh Sóc Trăng chính thức đi vào hoạt động. Từ những ngày đầu tái lập gặp không ít khó khăn, thách thức, hiện nay tỉnh Sóc Trăng đã có bước phát triển khá.
Năm 2021 quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 57.120 tỉ đồng, tăng 38 lần so năm 1992. GRDP bình quân đầu người 2.031 USD, tăng hơn 20 lần so với năm 1992; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 là 18.951 tỉ đồng, tăng 160,75 lần so với năm 1992. Giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2021 là 1.289 triệu USD, tăng 51,56 lần so với năm 1992. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 đạt 30.854 tỉ đồng, tăng 20,40 lần so với năm 1992, đặc biệt là gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới vào năm 2019.
Tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản năm 2021 là 350.642 tấn, tăng 12,87 lần so với năm 1992, đáng chú ý là năm 2021, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt mốc 1 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 đạt 35.256 tỉ đồng, tăng 94,83 lần so với năm 1992.
Tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 310 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 100.696,9 tỉ đồng, có 3.821 doanh nghiệp đăng ký với số vốn trên 50.000 tỉ đồng.
Kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ. Cùng với phát triển kinh tế, các lĩnh văn hóa, xã hội của tỉnh nhà sau 30 năm tái lập cũng được quan tâm chăm lo, phát triển, từ đó, đời sống vật chất, tinh thần, sự kết nối, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn Sóc Trăng không ngừng được phát triển.
Trong giai đoạn 2022 – 2025 tầm nhìn 2030, tỉnh Sóc Trăng đề ra nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, từng bước trở thành tỉnh trung tâm của vùng ĐBSCL. Tỉnh tận dụng cơ hội, lợi thế từ giao thông như: Đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188km, đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng dài hơn 56km, dự kiến khởi công vào đầu năm 2023; Tuyến đường bộ ven biển kết nối giao thông liên tỉnh Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu dài hơn 53km đang được đề xuất triển khai bằng nguồn vốn vay ODA; Cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60, dự kiến triển khai từ năm 2022 - 2023 và hoàn thành vào năm 2026; Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây tỉnh Sóc Trăng với tổng chiều dài hơn 56,6km, với 44 cầu giao thông, 50 cống ngang đi qua thị xã Ngã Năm, huyện Thạnh Trị, Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu.
Đặc biệt là Cảng biển Trần Đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang quy hoạch các tuyến giao thông kết nối vào Cảng biển Trần Đề, tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và tuyến giao thông huyết mạch trên địa bàn tỉnh như tuyến đường trục phát triển kinh tế Bắc - Nam; đường Vành Đai II, TP. Sóc Trăng...
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn nhận định: Từ những công trình, dự án đầu tư hệ thống giao thông, cảng biển sẽ tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, là cơ hội để tỉnh Sóc Trăng đón đầu, bứt phá vươn lên, phát triển nhanh và bền vững; đưa Sóc Trăng trở thành một trong những trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long.