Chiều 14.12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự chương trình Dấu ấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TP Hồ Chí Minh (TECHFEST và WHISE 2021).
Theo TTXVN, tại chương trình, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao kết quả mà các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp đã đạt được trong thúc đẩy, phát triển đổi mới sáng tạo trong năm 2021; góp phần đưa Việt Nam lên thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn cho rằng, những kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, trí tuệ, năng lực của con người Việt Nam và mong muốn của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan của sự phát triển. Bất kỳ quốc gia nào, thời kỳ nào, bất cứ lĩnh vực nào, con người nào cũng cần đổi mới sáng tạo; vì có đổi mới sáng tạo mới có phát triển. Đổi mới sáng tạo vừa là trung tâm, động lực của sự phát triển; là sự nghiệp của toàn dân, nên phải có cách tiếp cận toàn dân.
Đổi mới sáng tạo phải được triển khai tổng thể toàn diện, đồng bộ, liên thông, bao trùm ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, phải được kết nối với toàn cầu, vì lợi ích quốc gia dân tộc và lợi ích chung của nhân loại.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chính phủ cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện, môi trường thuận lợi nhất cho khởi nghiệp sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, mục tiêu của đổi mới sáng tạo, phải góp phần thực hiện đạt được mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đặt ra và các nghị quyết, chương trình hành động của Đảng bộ, ngành, địa phương các cấp. Đổi mới sáng tạo cần góp phần làm cho người dân càng ngày càng ấm no, hạnh phúc; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác trong khu vực, quốc tế...
Trước mắt, đổi mới sáng tạo phải tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội cũng như giải quyết các vấn đề đang nổi lên như: Biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cạn kiệt tài nguyên; giá hóa dân số; phát triển xanh, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; chuyển đổi số; các vấn đề đang đặt ra trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo...
Thủ tướng Chính phủ gợi mở một số nội dung để các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học, doanh nhân cùng chung tay xây dựng hệ sinh thái trong giai đoạn tiếp theo.
Theo đó, người đứng đầu đề nghị các cấp, ngành tổng kết lại quá trình đổi mới sáng tạo, kể cả trong lịch sử của ông cha ta để có cơ sở dữ liệu, bài học kinh nghiệm cho đổi mới sáng tạo hiện nay và thời gian tới; Tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam; truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Các cấp ngành tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, có các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khuyến khích hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Tăng cường thu hút các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo không chỉ từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư chuyên nghiệp mà còn từ các tập đoàn lớn, tổ chức quốc tế, cá nhân và cộng đồng.
Tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, mở rộng liên kết, kết nối trong nước, kết nối quốc tế, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hình thành thị trường đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức đặt hàng, sử dụng các sản phẩm đổi mới, sáng tạo...