Thanh Hoá:

Thủy điện Trung Sơn xả đáy, dân bức xúc vì nước sông Mã ô nhiễm

HOÀI THU |

Những ngày vừa qua, hàng nghìn người dân ở xã Trung Sơn, huyện Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) vô cùng hoang mang, lo lắng và bức xúc bởi mùi hôi thối bốc lên từ dòng sông Mã. Điều đặc biệt, chỉ sau một đêm, tất cả các đồ trang sức bằng bạc như dây chuyền, lắc tay, kiềng chân… hay đến những cánh cửa nhựa lõi thép ở công sở xã và các hộ gia đình đều chuyển sang màu đen, đỏ hoặc nâu.
Thuỷ điện xả đáy, dân ngập trong ô nhiễm

Xã Trung Sơn, huyện Quan Hoá (Thanh Hoá) cách TP. Thanh Hoá hơn 200km. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Phạm Bá Diện - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn - cho biết: “Ngày 10.7, tự nhiên có một mùi hôi thối kinh khủng bốc lên như bể phốt vỡ, dù đã đóng kín cửa, ngồi trong phòng làm việc nhưng anh em chúng tôi cũng không thể chịu nổi, thậm chí nhiều người còn phải đeo cả khẩu trang. Người khỏe còn như vậy, chứ nói gì đến người già và trẻ nhỏ”.

Để chứng minh lời nói của mình, ông Diện đưa chúng tôi đi xem từng cánh cửa của công sở xã. Trên từng cánh cửa nhựa lõi thép màu trắng, bám lên một lớp đen kịt, đặc biệt là những nơi đầu ngọn gió. Ông Diện cho biết: “Khi có hiện tượng dòng sông Mã ở phía hạ lưu Thủy điện Trung Sơn bốc mùi hôi thối như vậy, tôi có gọi điện báo cáo với ông Trịnh Đức Du - Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Quan Hóa. Đến chiều ngày 11.7, ông Du gọi lại cho tôi, thông báo là do Thủy điện Trung Sơn xả đáy, nên có mùi hôi thối, nhưng không ảnh hưởng gì. Ngày 12.7 xã đã có văn bản chính thức gửi UBND huyện”.

Báo cáo số 29/BC-UBND của UBND xã Trung Sơn, nêu rõ: “Vào khoảng 8h30 ngày 10.7 đến hết ngày 11.7 trên khu vực hạ lưu của thủy điện Trung Sơn và các bản Co Me, Pạo, Chiềng, Bó dọc sông Mã có mùi hôi thối bốc lên từ sông Mã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của người dân trên khu vực quanh thủy điện. Đặc biệt là người dân sống tại bản Co Me”. Văn bản cũng nêu rõ: “Do Thủy điện Trung Sơn xả đáy hồ, các cây cối bị ngập trong thời gian phân hủy, kết hợp với các loại dầu trong hệ thống vận chuyển của máy móc trong nhà máy tạo nên”.

Dân cứ kêu, lãnh đạo Cty còn… bận

Cuộc sống người dân quanh thuỷ điện Trung Sơn bị đảo lộn, khốn khổ từ sau ngày thuỷ điện này xả đáy. Ông Phạm Bá Hoán (58 tuổi) - Trưởng bản Co Me - cho biết: “Ngày 10.7, Nhà máy thủy điện Trung Sơn xả đáy, nước sông Mã đổi một màu đen kịt. Sáng 11.7, sau khi ngủ dậy đang đánh răng tôi vô tình cúi xuống lại thấy cái dây bạc của mình màu đen sì. Chạy sang hàng xóm thì tất cả những ai có đồ trang sức bằng bạc, như dây chuyền, lắc chân, lắc tay, bông tai… đều chuyển sang màu đen, đỏ, nâu. 

Các cánh cửa của bà con làm bằng nhôm cũng đổi màu. Cả làng chạy tán loạn vì có những bất thường như thế. Nhìn dòng nước sông Mã đen kịt, ai cũng biết Nhà máy thủy điện Trung Sơn đang xả đáy. Kể từ tháng 4.2017 đến nay đây là lần thứ 2 có “mùi lạ” này” - ông Hoán nói. Theo phản ánh của người dân nơi đây, nhiều ngày liền sau đó, họ phải đeo khẩu trang chống lại mùi hôi thối kinh hoàng. Bà Lò Thị Sánh (43 tuổi, bản Co Me) cho biết: “Đứa cháu nội của tôi mới 4 tuổi, nước mũi chảy ra có màu đen xì. Gia đình tôi đã phải đưa nó sang bản khác đi gửi rồi”.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Vũ Hữu Phúc - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn. Tuy nhiên, dù phóng viên tha thiết đề nghị muốn tìm hiểu vấn đề mà người dân ở xã Trung Sơn bức xúc, để phản ánh một cách khách quan, nhưng ông Phúc nói rằng: “Tôi đang bận”. Ông giám đốc này cũng yêu cầu phóng viên phải có giấy giới thiệu của cơ quan, trong khi phóng viên trình bày là có thẻ nhà báo. “Cứ đưa thẻ nhà báo, chứng minh nhân dân và giấy giới thiệu cho văn thư của công ty, tôi xem và sẽ phê vào đó. Còn bây giờ, tôi đang bận” - ông Phúc nói.

Ông Phạm Bá Diện - Chủ tịch UBND xã Trung Sơn - đề nghị: “Trong thời gian tới, nếu thủy điện tiếp tục xả đáy hồ thì phải thông báo đến UBND xã, các bản trên địa bàn ảnh hưởng để chính quyền có phương án di dời dân đến khu vực an toàn trong thời gian xả nước, tránh làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân”.

HOÀI THU
TIN LIÊN QUAN

Nhiều hộ dân Đà Nẵng thấp thỏm dưới chung cư nguy hiểm cấp C

Nguyễn Linh |

Nhiều người dân tại Đà Nẵng phải di dời khẩn cấp trong mùa mưa vì sợ chung cư, nhà ở tập thể xuống cấp có thể ngã đổ bất cứ lúc nào.

Rác chất thành "núi", tràn ra đường gom Đại lộ Thăng Long

Tô Thế |

Rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng bị đổ trộm la liệt dọc theo tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long (Hà Nội).

Trung Quốc công bố loạt chính sách mới thúc đẩy kinh tế

Ngọc Vân |

Ngày 24.9, Trung Quốc công bố một loạt chính sách mới nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bao gồm cắt giảm lãi suất thế chấp và tỉ lệ dự trữ bắt buộc.

Gặp khó vì chưa được phê duyệt đề án vị trí việc làm

Bảo Hân |

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống công đoàn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa được phê duyệt đề án vị trí việc làm.

Lỗ hổng trong “đào tạo” nghệ sĩ

Nhóm PV |

Khi những scandal của giới showbiz tràn lan khắp mạng xã hội, việc giáo dục, đào tạo những nghệ sĩ tương lai từ giảng đường đại học cần có sự thay đổi.

Lượng rác khổng lồ trôi nổi trên vịnh Hạ Long

Nguyễn Hùng |

Quảng Ninh - Sẽ mất rất nhiều thời gian để xử lý lượng rác khổng lồ tràn ra vịnh Hạ Long, chủ yếu từ các khu nuôi trồng thủy sản bị bão số 3 đánh tan tành.

Cựu sếp Nhà Xuất bản Giáo dục nhận hối lộ đều đặn

Việt Dũng |

Suốt quá trình tạo điều kiện cho doanh nghiệp trúng các gói thầu tổng trị giá cả nghìn tỉ, hàng năm ông Nguyễn Đức Thái nhận hối lộ tới 20 tỉ của nữ đối tác.

Bitexco thoái vốn, dự án Tứ giác Bến Thành về tay ai?

Lục Giang |

Bitexco sẽ chuyển nhượng 100% vốn góp tại công ty chủ đầu tư dự án Tứ giác Bến Thành, bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Bất động sản Phương Đông Hà Nội.