Chống tham nhũng, tiêu cực - không thể không làm
Ngày 12.5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội đơn vị bầu cử số 1 TP.Hà Nội đã tiếp xúc cử tri quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng trước kỳ họp thứ 3 tại trụ sở quận Đống Đa và kết nối trực tuyến đến 56 điểm cầu.
Cùng tham dự buổi tiếp xúc cử tri có các Đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 1 (Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội) gồm: Đại biểu Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; Đại biểu Nguyễn Trúc Anh - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.Hà Nội.
Tại cuộc tiếp xúc, cử tri bày tỏ sự phấn khởi, đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, liên tục và ngày càng quyết liệt hơn".
Cử tri Phan Quan Bách (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, từ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt đã phát hiện, xử lý cán bộ có chức, có quyền, thoái hóa biến chất, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Cử tri cũng phấn khởi khi Hội nghị Trung ương đã thống nhất chủ trương thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Nêu ý kiến tại cuộc tiếp xúc, cử tri Phùng Huy Đan (Trung Phụng, Đống Đa) cũng đề nghị Quốc hội sớm sửa Luật Đất đai nhằm sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực về đất đai, gây bức xúc trong nhân dân.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc cử tri, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, các ý kiến của cử tri rất tâm huyết, sâu sắc, đặc biệt trong đó là kiến nghị liên quan đến vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sửa đổi Luật Đất đai.
Nhận định về vấn đề phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư cho rằng, đây là cuộc chiến gian nan. Vấn đề này không chỉ ở nước ta mà ở nhiều nước trên thế giới. Không chỉ ở thời nay mà thời xưa cũng đã từng có "một người làm quan, cả họ được nhờ" hay "làm quan hưởng lộc"...
Tổng Bí thư cho hay, trước đây chúng ta nói chống tham nhũng, lãng phí nhưng lãng phí chỉ là một khía cạnh. Bây giờ đổi tên là Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực. "Tiêu cực thì nhiều lắm nhưng trọng tâm là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Cái đó làm hư hỏng con người và đây là cái rất mới", ông nói.
Tổng Bí thư cho biết, từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo quyết liệt, xử lý, điều tra những vụ việc nổi cộm, trên tinh thần rõ đến đâu làm đến đấy.
"Tôi đã nói không thể không làm được. Riêng Ban Chỉ đạo đã theo dõi và chỉ đạo rất nhiều vụ. Đã khởi tố nhiều bị can là cán bộ cao cấp, cả đương chức, cả nghỉ hưu, cả trong lực lượng công an, quân đội...", Tổng Bí thư chia sẻ.
Theo Tổng Bí thư, khi Bộ Chính trị thi hành kỷ luật Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh..., tất cả đều tâm phục, khẩu phục. "Lúc đầu cũng cãi, cũng bảo vệ ý kiến thế nọ, thế kia. Nhưng đưa ra Bộ Chính trị, chứng cứ thế này, phân tích có lý, có tình thế này, làm sao chối được? Cuối cùng thấy nhận hết cả", Tổng Bí thư cho hay.
Xử lý để răn đe, giáo dục chứ không phải không có tình, có nghĩa
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh tinh thần "nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình", xử người này để răn đe người khác, giáo dục người khác chứ không phải xử nặng, không có tình, có nghĩa gì với đồng chí của mình.
"Tôi đã nói không thích thú gì kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình, thậm chí rất đau xót. Các đồng chí thấy khi nào tôi nói về vấn đề này cũng đều rất xúc động. Bác Hồ đã nói cưa đi một vài cành cây sâu để cứu cả cái cây. Xử lý một vài người để cứu muôn người. Vấn đề này là vấn đề rất chiến lược nhưng làm phải có lý, có tình. Cho nên phải xây dựng luật, phải có tổ chức" - Tổng Bí thư chia sẻ.
Tổng Bí thư cho biết, Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thống nhất rất cao về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Ông mong muốn, khi bố trí nhân sự, lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cần đánh giá kỹ lưỡng để phát huy hiệu quả.
"Cán bộ vào Ban Chỉ đạo chống tham nhũng mà lại tư túi, vướng vào tham nhũng thì còn chống ai nữa. Ông nào vướng vào tôi xử trước, xin nói thẳng là như thế", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Nghiên cứu, xem xét sửa Luật Đất đai
Theo Tổng Bí thư, tại Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thảo luận một số nội dung liên quan tới đất đai. Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, nhưng đang có nhiều vấn đề phải tiếp tục giải quyết, mặc dù vừa qua chúng ta đã có nhiều chính sách để phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai.
Tổng Bí thư cho biết, trên tinh thần nghị quyết mới của Trung ương về vấn đề đất đai, Quốc hội sẽ nghiên cứu, xem xét sửa Luật Đất đai để phát huy tối đa, tiềm năng, thế mạnh của đất nước.
Liên hệ với Thủ đô, Tổng Bí thư cho rằng, đất ngày càng quý vì người đông nhưng đất hẹp. Do vậy, Tổng Bí thư mong lãnh đạo Thủ đô quan tâm hơn nữa đến vấn đề đất đai.
"Nhưng sửa Luật Đất đai thế nào để phát huy thế mạnh của đất đai thì khó lắm, không đơn giản, phải nghiên cứu, tổng kết mang tầm chiến lược nhưng phải thiết thực, hàng ngày. Vừa lý luận thực tiễn, vừa phải đảm bảo đời sống của người dân, nhưng phải vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là vấn đề làm dần từng bước, hoàn thiện dần", Tổng Bí thư chia sẻ với cử tri.