1/3 kinh tế thế giới dự báo rơi vào suy thoái trong năm 2023
Bà Kristalina Georgieva - Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn đối với phần lớn nền kinh tế thế giới khi các động lực chính của tăng trưởng toàn cầu đều trải qua giai đoạn suy yếu. Chúng tôi dự đoán một phần ba nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Ngay cả những quốc gia không bị suy thoái, hàng trăm triệu người cũng cảm thấy giống như suy thoái”.
Theo IMF, tăng trưởng toàn cầu năm 2023 sẽ ở mức 2,7%, giảm so với mức dự báo 2,9% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 7.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam là quốc gia có độ mở lớn sẽ không tránh khỏi xu hướng tác động của kinh tế thế giới.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 giảm xuống còn 6,3%.
Quốc hội đã phê duyệt tăng trưởng GDP năm 2023 ở mức khoảng 6,5%.
"Mục tiêu tăng trưởng 6,5% của giai đoạn 2021-2015 là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh năm 2023, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu;… có chiều hướng diễn biến nhanh, phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn", bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.
Thách thức nào đang đợi kinh tế Việt Nam 2023?
TS Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế chỉ ra 6 khó khăn, thách thức của kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Thứ nhất, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế.
Thứ 2, giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022 - 2023 vẫn còn chậm.
Thứ 3, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023.
Thứ 4, nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới.
Thứ 5, rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt.
Thứ 6, thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.
“Năm 2023, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và một số nước có thể rơi vào suy thoái cục bộ, ngắn hạn và so với mức nền cao của năm 2022, dự báo cũng sẽ tăng chậm lại, nhưng vẫn đứng ở mức khá.
Theo kịch bản cơ sở là vào khoảng 6 - 6,5%. Xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, 3 trụ cột chính của tăng trưởng GDP vẫn sẽ tiếp tục đảm bảo tăng trưởng khá. Trong đó, xuất khẩu dự báo tăng khoảng 8 - 10%, đầu tư (trong và ngoài nước) tăng khoảng 8%, tiêu dùng cuối cùng tăng khoảng 9 - 10%”, TS Cấn Văn Lực nói.
TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất sẽ hạ nhiệt trong quý I và trở về ổn định vào cuối quý II/2023. Các doanh nghiệp sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. Xuất khẩu có thể giảm trong quý I-II/2023, nhưng sẽ phục hồi và tăng vào quý III.
Như vậy, nền kinh tế nội địa sẽ giảm khó khăn từ quý II/2023 và có sự tăng trưởng tích cực từ quý III nhờ hiệu ứng đầu tư công và ổn định tài chính tiền tệ. Đồng thời thị trường bất động sản phục hồi nhẹ từ quý IV/2023.